10:07, 21/07/2015

Khu tái định cư chờ dân

Thực hiện Dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I, hai khu tái định cư Ninh Thủy và Xóm Quán (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng; thế nhưng đến nay chỉ có lác đác vài hộ dân chuyển về ở…

Thực hiện Dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I, hai khu tái định cư (KTĐC) Ninh Thủy và Xóm Quán (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng; thế nhưng đến nay chỉ có lác đác vài hộ dân chuyển về ở… 
 
 
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
 
 
Nằm trên đường đi Nhà máy Đóng tàu Hyundai VinaShin, cách Quốc lộ 1 khoảng 5km, KTĐC Ninh Thủy hiện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng với đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, trường học... để người dân ở thôn Ninh Yển (xã Ninh Phước) đến ổn định cuộc sống. Mới đây, Điện lực Ninh Hòa đã đầu tư kéo điện về từng con đường nội bộ; Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa đã thiết kế hệ thống dẫn nước sạch phục vụ đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, cây xanh, đèn chiếu sáng công cộng cũng được trang bị đầy đủ để... chờ dân. 

 

 Trường học ở Khu tái định cư Ninh Thủya đã sẵn sàng khai giảng năm học mới.
Trường học ở Khu tái định cư Ninh Thủy đã sẵn sàng khai giảng năm học mới.
 
 
Theo ông Lê Minh Châu - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình xây dựng thị xã Ninh Hòa, KTĐC Ninh Thủy rộng 100ha, phục vụ TĐC do ảnh hưởng của dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I, II và II. Hiện nay, ban mới thực hiện giai đoạn 1 đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho gần 35ha với tổng mức đầu tư gần 427 tỷ đồng. Ông Châu cho hay: “Vấn đề người dân lo lắng nhất khi đến nơi ở mới là điện và nước, chúng tôi đã làm xong. Khi người dân đến ở, Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa và Điện lực Ninh Hòa sẽ tiến hành lắp đồng hồ nước, đồng hồ điện để giúp người dân nhanh chóng ổn định nơi ở mới”. 
 
 
Còn KTĐC Xóm Quán rộng hơn 50ha, được Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho 1.237 lô phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án ở Nam Vân Phong với tổng kinh phí hơn 394,6 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, cấp nước, điện, cầu cảng, cây xanh... đã cơ bản hoàn thiện. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Nếu KTĐC Ninh Thủy dành cho những hộ dân làm nông nghiệp thì KTĐC Xóm Quán dành cho những hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản. Cả hai KTĐC đều đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho công tác di dời dân”.
 
 
Trụ sở UBND xã Ninh Phước sẽ được di dời về thôn Ninh Tịnh.
Trụ sở UBND xã Ninh Phước sẽ được di dời về thôn Ninh Tịnh.
 
 
Những cư dân đầu tiên
 
 
KTĐC Ninh Thủy hiện đã có lác đác vài căn nhà được xây dựng khang trang. Bên cạnh căn nhà mới xây gần 300 triệu đồng, ông Trần Văn Hương đang dựng tạm căn chòi nhỏ để che nắng che mưa cho cặp bò mới đưa từ thôn Ninh Yển về. Ông Hương cho biết: “Tôi nhận tiền đền bù hồi tháng 3, được 340 triệu đồng. Đến đầu tháng 5, tôi bàn giao mặt bằng cho địa phương, rồi đến KTĐC dựng tạm túp lều để xây dựng nhà mới”. Nhìn căn nhà khang trang mới xây dựng xong, ông Hương tâm sự: “Không ai muốn bỏ nơi gắn bó gần cả cuộc đời để đi đến vùng đất mới, nhưng đây là chủ trương của Nhà nước, trước sau mình cũng phải đi, nên đi sớm để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ở đây, cơ sở vật chất khá tốt, nhưng việc làm thì hơi khó khăn...”. Trước kia ở Ninh Yển, ông Hương và vợ đi làm thuê ở các đìa nuôi thủy sản kiếm tiền nuôi con ăn học. Nay chuyển đến KTĐC, hàng ngày, vợ chồng ông phải chạy xe gắn máy hơn 10km để về nơi cũ làm thuê. 
 
 
Dời trụ sở UBND xã Ninh Phước
 
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, trụ sở UBND xã Ninh Phước (hiện ở thôn Ninh Yển) sẽ được phá bỏ và xây trụ sở mới tại thôn Ninh Tịnh. Hiện nay, cán bộ, công chức xã có 42 người, chủ yếu ở thôn Ninh Tịnh và một số ở thôn Mỹ Giang; chỉ có một cán bộ ở thôn Ninh Yển, nhà thuộc diện phải di dời nên việc chuyển trụ sở xã về thôn Ninh Tịnh là hợp lý.

Cách nhà ông Hương chừng 200m, nhà bà Kiều Thị Phong cũng đang được gấp rút hoàn thành. Nhà bà Phong có 10 nhân khẩu, ngoài lô trồng hoa màu 200m2, bà Phong được mua ưu đãi 2 lô đất ở. Tuy nhiên, tiền đền bù đất cũ chỉ được hơn 500 triệu đồng, đã nhận từ năm 2011, nên bà Phong chỉ cất một căn nhà. “Trước kia, gia đình tôi làm rẫy, bây giờ lên đây vẫn chưa biết làm gì để sống. Nghe nói Nhà nước sẽ cấp cho mỗi hộ một lô đất để trồng tỏi tại khu vực sát chân núi. Chúng tôi hy vọng Nhà nước sớm triển khai thực hiện để người dân sớm ổn định cuộc sống”, bà Phong nói.

 

 
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa, có 340 trường hợp ở thôn Ninh Yển bị ảnh hưởng bởi Dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I, trong đó có 100 trường hợp phải bố trí TĐC, chủ yếu là ở KTĐC Ninh Thủy. Đến thời điểm hiện tại, KTĐC Ninh Thủy đã có 6 hộ đến ở; còn KTĐC Xóm Quán mới chỉ có 1 hộ vừa xây dựng nhà. Hiện nay, UBND thị xã Ninh Hòa cùng UBND xã Ninh Phước và các ngành chức năng đang tích cực vận động người dân bàn giao mặt bằng để chuyển về các KTĐC.
 
 
Còn nhiều việc phải làm
 
 
Tuy UBND tỉnh chỉ đạo trong tháng 10 năm nay phải hoàn thành việc di dân về KTĐC để bàn giao đất cho chủ đầu tư vào cuối năm, nhưng theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, xã Ninh Phước vẫn còn 30 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng; 23 trường hợp chưa chịu nhận đất TĐC.
 
 
Đảm bảo việc học cho học sinh
 
Theo ông Lê Quang Thạch, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa, để bố trí việc học cho con của những hộ bị ảnh hưởng khi di dời về các KTĐC, phòng bố trí 17 học sinh (HS) mầm non, 21 HS tiểu học về học tại trường đã được xây dựng trong KTĐC Ninh Thủy; 21 HS THCS sẽ được bố trí học tại các trường THCS: Hàm Nghi (xã Ninh Phước), Nguyễn Tri Phương (xã Ninh Thọ) hoặc Chu Văn An (phường Ninh Đa); số HS THPT sẽ tạo điều kiện đi học ở các địa phương lân cận. Trong trường hợp HS về KTĐC quá ít, không đủ mở lớp sẽ được chuyển về Ninh Đa hoặc Ninh Thọ theo yêu cầu của gia đình. Phòng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và phương án để bố trí nơi học mới cho HS ngay khi khai giảng năm học 2015 - 2016.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thông cho biết, gia đình ông có tổng cộng hơn 8.000m 2 đất trồng tỏi và 500m 2 đất, nhưng chỉ được bồi thường 1,1 tỷ đồng theo giá tính từ năm 2010. “Tôi chưa nhận tiền bồi thường là do chưa chấp nhận giá đền bù, bởi theo quy định của Nhà nước, bồi thường vào thời điểm nào thì áp giá vào thời điểm đó. Bây giờ, gia đình tôi trồng tỏi mỗi năm cũng thu lãi hơn 200 triệu đồng; khi đến KTĐC, không có đất canh tác, gia đình không biết làm gì để sinh sống, nuôi con ăn học”, ông Thông băn khoăn. Tuy được biết UBND thị xã đã chuẩn bị khu vực rộng 20ha đất nông nghiệp để người dân ở KTĐC Ninh Thủy đến canh tác, nhưng ông Nguyễn Bá Lý vẫn chưa yên tâm: “Chúng tôi trồng tỏi ở đây cứ 3 năm lại đảo đất cát ở dưới lên, vùi đất cát ở trên xuống thì tỏi mới có năng suất cao. Đất ở nơi mới chỉ phủ lớp cát ở trên, dưới là đất khô cằn nên không thể trồng lâu dài được...”. Bà Đỗ Thị Dù - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết, dự án kéo dài gần 10 năm đã khiến người dân nơi đây không được xây dựng nhà cửa, không được hưởng chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người nghèo xây nhà, các ưu đãi từ Chương trình xây dựng nông thôn mới... Hy vọng, dự án triển khai đúng kế hoạch để người dân sớm ổn định cuộc sống.
 
 
Được biết, hiện nay, UBND thị xã đang lên phương án tổ chức di dời dân, trong đó phân công các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, đảm bảo việc di dời dân đúng tiến độ. Đối với những hộ dân chưa nhận tiền bồi thường và đất TĐC, UBND thị xã sẽ khẩn trương rà soát lại. “Bây giờ đền bù mà áp giá năm 2009 là bất hợp lý, thị xã sẽ kiến nghị UBND tỉnh để có thay đổi. Khi người dân đến nơi ở mới, chúng tôi sẽ giao nhiệm vụ cho xã Ninh Thọ đảm bảo an ninh trật tự, còn xã Ninh Phước quản lý hộ khẩu và công tác tuyên truyền; phải đảm bảo đời sống dân sinh, việc làm, học hành cho người dân khi đến nơi ở mới”, ông Thạnh nói.
 
V.K