Hoạt động từ tháng 7-2014, mô hình thu gom rác thải do Hội Cựu chiến binh xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) quản lý đã phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Hoạt động từ tháng 7-2014, mô hình thu gom rác thải do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) quản lý đã phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường (BVMT).
Thu gom rác thải ở xã Cam Hiệp Nam |
Về xã Cam Hiệp Nam một ngày giáp Tết, chúng tôi thấy đường làng, ngõ xóm, khu dân cư... rất sạch sẽ. Dẫn chúng tôi qua các trục đường, ông Trần Trọng Kim - Chủ tịch Hội CCB xã chia sẻ, trước đây, người dân có thói quen xả rác thải ra cống, cầu, chợ, ven đường... ảnh hưởng đến môi trường, mất mỹ quan thôn, xóm. Năm 2012, xã thành lập tổ tự quản BVMT ở thôn Quảng Đức, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Mục đích là nhắc nhở các hộ gia đình bảo đảm việc thu gom, đổ rác thải đúng nơi quy định; tham gia dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, quét dọn đường làng, ngõ xóm... Tuy có những chuyển biến nhất định nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân còn hạn chế.
Từ thực tế đó, năm 2014, xã đưa ra chủ trương thành lập mô hình thu gom rác thải và giao cho Hội CCB xã quản lý. Xã hỗ trợ 35 triệu đồng, cộng thêm kinh phí do Hội vận động để mua xe chở rác. Các thành viên trong tổ thu gom rác đều là hội viên Hội CCB xã. Ông Trần Trọng Kim cho biết, ngay sau khi triển khai, việc đầu tiên đặt ra là phải làm thay đổi nhận thức, thói quen trong sinh hoạt của người dân, để mọi người hiểu rõ ý nghĩa thiết thực của việc BVMT. Ngoài việc đến từng nhà vận động người dân tham gia, Hội phối hợp với các đoàn thể, tổ chức vận động các thành viên trở thành những tuyên truyền viên để xây dựng mô hình đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ tự quản đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình bảo đảm việc thu gom, đổ rác thải, nước thải đúng nơi quy định, không vứt rác ra đường. Ban đầu chỉ vài chục hộ tham gia; đến nay đã có khoảng 500 hộ tham gia, mỗi hộ đóng phí 10.000 đồng/tháng (các tổ chức đóng phí 30.000 đồng/tháng). Sau khi phân loại rác, các hộ dân tập kết trước nhà. Mỗi tuần, tổ thu gom rác 3 ngày; bình quân mỗi ngày thu gom 3 tấn rác.
Mô hình thu gom rác tự quản tự chủ hoàn toàn về kinh phí, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Dừng xe chở rác ven đường, ông Đinh Việt Quang (thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam) bày tỏ: “Tham gia tổ thu gom rác thải, tôi được nhận vài trăm nghìn đồng/tháng. Công việc tuy vất vả nhưng tôi thấy vui vì đóng góp công sức của mình trong việc BVMT, góp phần xây dựng nông thôn mới”. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam) phấn khởi nói: “Từ khi xã vận động người dân đăng ký thu gom rác, đường sá sạch hẳn. Người dân ở đây đã thay đổi thói quen đổ rác ra đường, khu vực gần tàu...”.
Theo ông Đỗ Minh Thạnh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam, mô hình thu gom rác thải do Hội CCB quản lý đã và đang đem lại lợi ích thiết thực đối với đời sống người dân, góp phần tạo cảnh quan sạch, đẹp cho thôn xóm. Điều quan trọng là ý thức BVMT sống của người dân được nâng lên. Người dân tạo được thói quen giữ gìn khuôn viên gia đình sạch sẽ, gọn gàng, khu chuồng trại được vệ sinh thường xuyên; không còn tồn tại những bãi rác tự phát... Đặc biệt, thành công từ mô hình thu gom rác thải đã giúp xã đạt tiêu chí về môi trường. Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các đoàn thể tiếp tục vận động người dân đăng ký thu gom rác. Phấn đấu đến quý II/2015, có hơn 2/3 hộ dân trong xã tham gia.
NGUYỄN KIM