Xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hiện có 4 cơ sở sản xuất tôm khô và 3 cơ sở chế biến chả cá quy mô lớn, nằm trong khu dân cư. Theo lãnh đạo địa phương, những cơ sở này hoạt động đã nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân trong khu vực rất bức xúc…
Xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hiện có 4 cơ sở sản xuất tôm khô và 3 cơ sở chế biến chả cá quy mô lớn, nằm trong khu dân cư. Theo lãnh đạo địa phương, những cơ sở này hoạt động đã nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân trong khu vực rất bức xúc…
Khu sơ chế cá nguyên liệu được đặt sát mép sông Cầu Huyện. |
Cách đây chưa lâu, Báo Khánh Hòa đã có bài viết phản ánh tình trạng các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn xã Vạn Thắng hoạt động không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Tuy nhiên sau đó, những cơ sở này không khắc phục mà còn mở rộng quy mô sản xuất khiến hàng chục người dân thôn Quảng Hội 2 (nơi có 2 cơ sở chế biến chả cá quy mô lớn nhất xã) bức xúc, lo ngại nên gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và cơ quan ngôn luận.
Ngày 27-1, chúng tôi trở lại địa bàn này để xác minh đơn khiếu nại của người dân. Và cũng như lần trước, chỉ mới đi đến cầu Huyện, cách khá xa 2 cơ sở chế biến chả cá lớn nhất nơi đây, chúng tôi đã cảm thấy khó chịu bởi mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Một người dân nhà gần chân cầu này cho biết: “2 lò chả cá của bà Thuận và bà Hòa cách đây khá xa, nhưng do họ liên tục xả nước và chất thải xuống sông nhiều năm qua nên đoạn sông này ô nhiễm trầm trọng”. “Không chỉ mùi hôi tanh từ nơi sản xuất, từ dưới sông bốc lên mà ruồi, muỗi ở khu vực này cũng rất nhiều nên chúng tôi ngày càng lo ngại cho sức khỏe của mình. Chúng tôi đã phản ánh và nhiều lần gửi đơn lên chính quyền đề nghị xử lý, nhưng chẳng thấy cơ quan nào giải quyết”, một người dân ở thôn Quảng Hội 2 bức xúc nói.
Khi chúng tôi đến, tại cơ sở sơ chế cá nguyên liệu và cơ sở chế biến chả cá của bà Lê Thị Thanh Hòa, hàng chục công nhân đang tất bật làm việc, đồ đạc ngổn ngang, mùi hôi tanh nồng nặc. Đặc biệt, toàn bộ nước thải tại nơi sơ chế đều được xả thẳng xuống sông. Tương tự, tại cơ sở sơ chế cá nguyên liệu và cơ sở sản xuất chả cá của bà Phạm Thị Thuận cách đó không xa, nước thải cũng được xả trực tiếp và bơm ra đoạn sông này. Vậy nhưng, cả bà Hòa và bà Thuận đều cho rằng, thứ nước mà họ thải ra sông đều không gây ô nhiễm môi trường nên không có gì đáng ngại. Thậm chí theo bà Thuận: “Nếu nước thải ô nhiễm thì cá dưới sông đã chết, đằng này khi xả nước thải xuống, cá lại bu đến ăn thức ăn. Tôi nghĩ vì thấy chúng tôi làm ăn được nên một vài người dân ích kỷ mới làm đơn khiếu nại chứ thực tình chẳng phải vì ô nhiễm môi trường. Vì thế, tôi rất mong cơ quan chức năng đến lấy mẫu nước thải của cơ sở chúng tôi đi xét nghiệm để có kết luận rõ ràng”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Sáng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết: “Người dân phản ánh các cơ sở này gây ô nhiễm là đúng, đặc biệt là cơ sở của bà Thuận và bà Hòa. Chúng tôi đã rất nhiều lần phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra lập biên bản các cơ sở này, nhưng đều được chuyển cho địa phương xử lý, trong khi đó xã lại không đủ thẩm quyền. Tôi rất mong Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra và có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này. Cho dù các cơ sở này tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, nhưng cũng không vì thế mà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực”.
NAM ANH