09:01, 05/01/2015

Khuyến khích thực hành lặn thân thiện

Thực hiện trong 2 năm 2013 - 2014, Dự án Green Fins do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đề xuất, triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần khuyến khích việc lặn thân thiện, bảo vệ, bảo tồn các rạn san hô đáy biển.

Thực hiện trong 2 năm 2013 - 2014, Dự án Green Fins do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đề xuất, triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần khuyến khích việc lặn thân thiện, bảo vệ, bảo tồn các rạn san hô đáy biển.  

 

Chủ trương lặn thân thiện với môi trường được khuyến khích. (Ảnh minh họa)
Chủ trương lặn thân thiện với môi trường được khuyến khích. (Ảnh minh họa)


Lặn biển được xem là thế mạnh mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành Du lịch. Trên thế giới có nhiều quốc gia có ngành lặn biển phát triển như: Australia, Maldive, Indonesia, Philippines, Thái Lan... Tại Việt Nam, các hoạt động lặn biển chủ yếu diễn ra tại các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia, nơi các rạn san hô được bảo vệ như: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, vườn quốc gia Núi Chúa, Phú Quốc, Côn Đảo...


Theo kỹ sư Thái Minh Quang - Viện Hải dương học Nha Trang, các hoạt động lặn biển thường gây tác động xấu đến môi trường biển, đặc biệt là rạn san hô. Cụ thể như: Thả neo làm gãy đổ, hư hại rạn san hô; vứt rác thải sinh hoạt xuống biển gây ô nhiễm môi trường; giẫm đạp làm tổn thương rạn san hô khi lặn quan sát các sinh vật trong khu vực rạn...


UNEP phối hợp cùng 2 tổ chức quốc tế là Điều phối Biển Đông (COBSEA) và Rạn san hô thế giới (Reef World Foudation) đã chọn Nha Trang làm nơi triển khai và Viện Hải dương học là cơ quan chủ trì Dự án Green Fins. Dự án có tên đầy đủ là Bảo vệ các hệ sinh thái biển ở các nước thuộc Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) sử dụng phương pháp Green Fins, được triển khai qua 3 giai đoạn: đánh giá, tham vấn và xây dựng năng lực triển khai. Chương trình Green Fins là cách tiếp cận mới thông qua các câu lạc bộ (CLB), trung tâm lặn biển áp dụng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử Green Fins với 15 nội dung. Các CLB lặn biển, công ty kinh doanh dịch vụ lặn có tour bơi, lặn ngắm san hô, thành viên và du khách đều phải thực hiện đầy đủ tinh thần và nội dung Bộ quy tắc này.


Thời gian qua, Viện Hải dương học Nha Trang đã triển khai nhiều hoạt động như: Khảo sát hiện trạng, đặc điểm ngành công nghiệp lặn du lịch tại Nha Trang và đề xuất quy chế quản lý; tham vấn cùng các cơ quan, ban ngành liên quan; tập huấn, đánh giá các CLB lặn biển theo tiêu chí Green Fins; xây dựng trang web Green Fins Việt Nam tại địa chỉ www.greenfins.net; cung cấp tài liệu tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá phương pháp Green Fins, khuyến khích du lịch thực hành lặn bền vững... “Chúng tôi đã phổ biến Green Fins cho các CLB lặn; tổ chức người tình nguyện tham gia giám sát môi trường, nhất là vùng lõi Hòn Mun; hướng dẫn kiến thức môi trường cho thuyền trưởng, thuyền viên các tàu du lịch; xây dựng pa nô, áp phích tuyên truyền; tổ chức hội thảo quốc gia... Hiện đã có 13/15 CLB lặn tại Nha Trang tham gia...”, kỹ sư Quang cho biết.  


Theo anh Nguyễn Duy Khương - Chủ nhiệm CLB lặn Sailing club Nha Trang: “Việc ứng dụng và thực hành lặn thân thiện theo phương pháp Green Fins có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ và bảo tồn rạn san hô, chúng tôi nhiệt liệt hưởng ứng. CLB đã quán triệt đến các thành viên cũng như du khách tham gia lặn biển triệt để áp dụng Green Fins để không chỉ bảo vệ san hô mà còn bảo vệ môi trường, không vứt rác thải xuống biển...”.

 

Dự án Green Fins do UNEP đề xuất, vốn tài trợ 26.000 USD, thực hiện trong 2 năm 2013 - 2014 với mục tiêu: hỗ trợ sử dụng bền vững rạn san hô, hệ sinh thái vùng bờ nơi tập trung công nghiệp lặn theo hướng dẫn Bộ quy tắc ứng xử Green Fins; nâng cao hiểu biết về công nghiệp lặn, từ đó đề xuất chính sách môi trường tại Việt Nam; xây dựng các nhóm Green Fins quốc gia.

Ông Trương Kỉnh - Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang tâm đắc: “Lâu nay việc  bảo vệ, bảo tồn các rạn san hô, đặc biệt là tại khu vực vùng lõi Hòn Mun tuy được cảnh báo nhưng vẫn xảy ra tình trạng bẻ gãy, giẫm đạp rạn san hô, vứt rác xuống biển. Dự án Green Fins triển khai như “chắp thêm cánh” cho chúng tôi. Vì thế, thời gian tới, sau khi Dự án rút, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này...”.


Để khuyến khích các hoạt động bơi, lặn thân thiện theo Chương trình Green Fins, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã triển khai các hoạt động phối hợp; đồng thời xây dựng kế hoạch năm 2015, dành gần 20 triệu đồng xung quanh các hoạt động này như: Vớt rác đáy biển Hòn Mun; mua sắm bình lặn, dụng cụ; khảo sát san hô; cung cấp tờ rơi tuyên truyền...


Theo kỹ sư Quang, tuy Dự án đã đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng hoạt động lặn thân thiện cần sự chung tay của cả cộng đồng. Hiện vẫn còn một số đơn vị có tổ chức lặn biển cho du khách chạm sờ vào rạn san hô, một số đơn vị chưa hưởng ứng…  


P.L