Làng ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu" hiện đang được triển khai tại 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong đó, Việt Nam có 3 điểm tại 3 tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh và Bạc Liêu.
Làng ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu" hiện đang được triển khai tại 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong đó, Việt Nam có 3 điểm tại 3 tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh và Bạc Liêu.
Xây dựng "Làng ứng phó thông minh với BĐKH" sẽ giúp nông dân rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp. |
Thông tin trên được đại diện Chương trình Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và an ninh lương thực Đông Nam Á (CCAFS- SEA) cho biết tại Hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH) do Bộ NN&PTNT phối hợp với CCAFS-SEA tổ chức từ ngày 17- 18/11 tại Hà Nội.
Đại diện CCAFS-SEA cho biết, hiện Việt Nam đang triển khai xây dựng “Làng ứng phó thông minh với BĐKH” ở 3 địa điểm là thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Mục tiêu trong việc xây dựng “Làng ứng phó thông minh với BĐKH” là nâng cao khả năng đáp ứng các mục tiêu về an ninh lương thực và phát triển; góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi và khả năng phục hồi trước tác động tiêu cực của BĐKH, sự thay đổi bất thường của thời tiết; góp phần giảm nhẹ sự ấm lên toàn cầu bằng cách giảm khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp.
Theo CCAFS- SEA, mặc dù sản lượng lương thực toàn cầu đã tăng lên đáng kể trong vài thập kỷ qua, tuy nhiên hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (giảm một nửa tỷ lệ người dân đói trong giai đoạn 1990- 2015) dường như không thể. Hiện nay, thế giới vẫn có gần 870 triệu người sống trong tình trạng đói nghèo, hầu hết họ là cư dân ở khu vực Nam Á và châu Phi. Những vùng có tỷ lệ nghèo đói cao cũng chính là vùng có sản lượng nông nghiệp rất thấp và chịu ảnh hưởng lớn nhất của các vấn đề liên quan đến yếu tố thời tiết. Đây là những khu vực đã được xác định là “điểm nóng” của BĐKH.
Để giải quyết vấn đề trên, theo CCAFS- SEA, việc xây dựng và phát triển “Làng ứng phó thông minh với BĐKH” là một trong những giải pháp ngay tại địa phương nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng thích ứng của người dân với BĐKH, xây dựng khả năng phục hồi đối với ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đồng thời cải thiện đời sống và thu nhập cho nông dân.
Theo CCAFS-SEA, đối với nông dân, thông tin về thời tiết có vai trò rất quan trọng trong việc lên kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Tại “Làng ứng phó thông minh với BĐKH”, nông dân có thể tiếp cận với các thông tin thời tiết và các khuyến cáo khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, báo chí và các tin nhắn thoại tới điện thoại di động. Nông dân cũng có thể tham gia bảo hiểm nông nghiệp để chi trả rủi ro thiệt hại đối với cây trồng vật nuôi do sự thay đổi bất thường của thời tiết.
Các biện pháp quản lý nước tưới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước là một trong những giải pháp ứng phó với BĐKH vô cùng quan trọng. “Làng ứng phó thông minh với BĐKH” giúp người dân có thể sử dụng nước tới “thông minh” như tận dụng nước ngầm, tích trữ nước mưa hay thành lập các đội công cộng quản lý và bảo vệ nguồn nước hiệu quả. Qua việc xây dựng “Làng ứng phó thông minh với BĐKH”, CCAFS- SEA cũng khuyến khích nông dân sử dụng máy công cụ tiết kiệm nhiên liệu, quản lý phụ phẩm nông nghiệp và áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu. Ngoài ra, người dân cũng sẽ được tham quan, học tập các điểm mô hình về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu về sản xuất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH.
Đại diện CCAFS-SEA nhận định, một trong những điểm mạnh của mô hình “Làng ứng phó thông minh với BĐKH” là tính toàn diện trong việc tập hợp nông dân, các nhà khoa học, các tổ chức địa phương cũng như việc lồng ghép mô hình này vào các chính sách nông nghiệp có thể giúp đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế và tăng thu nhập cho hàng triệu nông dân sống ở các vùng dễ bị tổn thương với BĐKH và thay đổi bất thường của thời tiết.
Theo Dân trí