05:11, 07/11/2014

Bước ngoặt về phát triển hạ tầng môi trường

Sau 7 năm thực hiện với khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP.  Nha Trang đã kết thúc đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu của nhà tài trợ. Dự án đánh dấu bước ngoặt trong công tác phát triển hạ tầng môi trường đô thị của thành phố.

Sau 7 năm thực hiện với khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường (VSMT) TP.  Nha Trang đã kết thúc đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu của nhà tài trợ. Dự án đánh dấu bước ngoặt trong công tác phát triển hạ tầng môi trường đô thị của thành phố.


Trở lại bãi rác Rù Rì những ngày này sẽ khó nhận ra nơi đây từng là bãi rác lớn nhất thành phố, bị ô nhiễm nặng nề. Bãi rác cũ được cải tạo, thu dọn sạch sẽ, lót bạt chống thấm dẫn nước rỉ rác về khu xử lý. Bãi rác mới Lương Hòa hiện đại vừa đưa vào vận hành đã xóa đi cái nhìn phản cảm về một bãi rác mất vệ sinh... Đây chỉ là một trong những hợp phần của Dự án đã triển khai trong những năm qua. 

 

1

Tháp stripping - Trạm xử lý nước rác Lương Hòa


Với mục tiêu giảm ngập, bảo đảm VSMT bền vững, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội TP. Nha Trang, được sự quan tâm của Chính phủ và nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án Cải thiện VSMT TP. Nha Trang nằm trong chuỗi dự án VSMT các thành phố duyên hải Việt Nam được triển khai từ năm 2006. Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2006 - 2011) giải quyết 30% khối lượng công việc; giai đoạn 2 (2011 - 2014) giải quyết 70% công việc còn lại với 6 hợp phần.


Theo Ban Quản lý (BQL) Dự án, do lần đầu triển khai nên phát sinh nhiều khó khăn như: Chưa quen với quy trình, thủ tục của dự án ODA nên còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành của BQL; nhiều vấn đề chưa đồng nhất giữa quy định của nhà tài trợ và quy định của Việt Nam về công tác quản lý dự án, quản lý hợp đồng, lựa chọn công nghệ, kỹ thuật xử lý... Đặc biệt, những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng và tình hình thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến tiến độ trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành, sự nỗ lực của các bên dự án cũng như chính quyền TP. Nha Trang và các ban, ngành, đoàn thể của thành phố, kết hợp giải pháp tăng ca liên tục trong giai đoạn 2 của BQL Dự án, tư vấn cùng các nhà thầu, Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ.

 

Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải phía Nam.
Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải phía Nam.

 

Tổng vốn đầu tư của Dự án là 93,6 triệu USD, trong đó vốn tín dụng IDA từ WB là 72,3 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại PHRD từ Chính phủ Nhật Bản là 1,83 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 19,5 triệu USD.

7 năm, Dự án thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ gồm 6 hợp phần. Hợp phần 1 - đầu tư hệ thống chống ngập úng, thoát nước và thu gom nước thải - đã xây dựng được 30km cống cấp 1; 3km cống cấp 2 và 35km cống cấp 3 trên các tuyến đường trung tâm và một số tuyến đường lớn của TP. Nha Trang. Đồng thời triển khai lắp đặt 560 hố ga, 2.400 hố ga ngăn mùi, 5.200 hố ga đấu nối trực tiếp hộ gia đình, xây dựng 6 trạm bơm nước thải, 10 giếng tách nước thải, cung cấp 1 xe hút bùn, 1 xe thổi rửa áp lực và 1 cụm tời nạo vét đường cống cho Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa. Hợp phần 2 - xây dựng nhà máy xử lý nước thải phía Nam, công suất 40.000m3/ngày với công nghệ mương ôxy hóa, ứng dụng hệ thống điều khiển tự động SCADA là điểm sáng về công nghệ. Với hệ thống này, các trạm bơm vệ tinh và nhà máy xử lý nước thải được điều khiển từ trung tâm điều hành, góp phần vận hành an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo lưu trữ dữ liệu thường xuyên. Tại đây cũng hình thành Trung tâm Truyền thông môi trường nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân và học sinh lợi ích về sức khỏe, môi trường, công tác quản lý nguồn nước và nước thải... Hợp phần 3 - xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn Lương Hòa hiện đại, hợp vệ sinh với sức chứa 3,4 triệu m3, đồng thời tiến hành đóng cửa bãi rác cũ Rù Rì - “điểm đen” về môi trường từ trước năm 1975. Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng Trạm xử lý nước rỉ rác Lương Hòa với công nghệ hiện đại, công suất 183m3/ngày. Ngoài ra, còn mua sắm 5 xe ép rác, 500 thùng rác, 1 xe đào, 1 xe đầm rác cung cấp cho Công ty Môi trường đô thị Nha Trang. Hợp phần 4 - xây dựng Khu tái định cư Đất Lành diện tích gần 6ha, đã bàn giao cho TP. Nha Trang đưa vào sử dụng từ năm 2008. Hợp phần 5 - Quỹ xoay vòng vốn cải tạo vệ sinh hộ gia đình và Chương trình vệ sinh trường học đã đầu tư nhà vệ sinh cho 17 trường học trên địa bàn, góp phần giáo dục ý thức giữ gìn VSMT cho học sinh. Đồng thời Quỹ quay vòng vốn vệ sinh hộ gia đình thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang cho vay gần 2.500 hộ có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Hợp phần 6 - nâng cao năng lực thực hiện dự án đã tăng cường công tác vận động, giáo dục, truyền thông cộng đồng, triển khai Chương trình sáng kiến xanh - sạch - đẹp, cung cấp 18 sáng kiến tăng cường ý thức bảo vệ môi trường cho người dân thành phố.

 

Nhà vệ sinh Trường Mầm non Hương Sen.
Nhà vệ sinh Trường Mầm non Hương Sen.


Khi Dự án hoàn thiện, hàng năm sẽ giảm bớt tình trạng ngập lụt; hơn 400.000 người có chất thải rắn thường xuyên được thu gom; 1/10 số đó được lợi từ việc đã tham gia đấu nối nước thải với lượng nước thải  được xử lý 13.500m3/ngày đêm; 15.400 học sinh được tiếp cận dịch vụ vệ sinh được cải thiện tại trường học... Đồng thời, có 10.900 người nghèo đã được tiếp cận các khoản vay để cải thiện các trang, thiết bị vệ sinh; hơn 73.000 tấn rác thải được thu gom đưa về các ô chôn lấp, và nhiều lợi ích to lớn khác…

 

Ông Lê Duy Hưng, Trưởng đoàn công tác WB: Sự nỗ lực cố gắng của BQL Dự án, tư vấn và nhà thầu những tháng gần đây là rất đáng khen ngợi, tiến độ dự án trong 6 tháng qua là khá ấn tượng. Tôi tin tưởng tiểu dự án Nha Trang sẽ hoàn thành đúng tiến độ cam kết. Đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo việc tiếp nhận, vận hành hiệu quả tài sản của dự án, lộ trình tăng phí nước thải và thu gom rác thải, bổ sung đủ nguồn vốn đối ứng cho dự án và hoàn tất các hồ sơ hoàn công, quyết toán dự án trước tháng 3-2015.

Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc BQL Dự án cho biết: Qua công tác điều hành Dự án, BQL đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Cụ thể như: Việc khảo sát, thiết kế cần được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về địa chất và công trình hiện hữu; tranh thủ sự hỗ trợ của chủ đầu tư, chính quyền, cơ quan, ban ngành và quan tâm nguyện vọng của người dân trong công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Bên cạnh đó, cần ràng buộc các chế tài kiểm soát trách nhiệm của tư vấn khi điều hành hợp đồng; không dễ dãi với nhà thầu, cần áp dụng các cơ chế cảnh cáo, xử phạt nghiêm túc; thường xuyên kiểm soát tài chính của nhà thầu thông qua tài khoản riêng của Hợp đồng ký kết...


Dự án Cải thiện VSMT TP. Nha Trang kết thúc đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu của WB. Vì thế, tỉnh đang làm việc với các bộ, ngành Trung ương và nhà tài trợ WB, đề nghị tiếp tục tài trợ tín dụng cho khu vực phía Bắc TP. Nha Trang nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải trên toàn địa bàn thành phố.


P.L