UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh đấu thầu xã hội hóa các dịch vụ công ích nhằm nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh đấu thầu xã hội hóa các dịch vụ công ích nhằm nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí.
Công nhân quét rác trên đường Trần Phú. |
Thí điểm đạt kết quả tốt
Năm 2013, Nha Trang là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức thí điểm đấu thầu xã hội hóa dịch vụ công ích. Thành phố đã tổ chức đấu thầu xã hội hóa thu gom rác thải trên địa bàn phường Phước Long và xã Vĩnh Hiệp. Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang trúng thầu trong thời gian 24 tháng (bắt đầu từ tháng 10-2013), với nhiệm vụ: thu gom và vận chuyển rác từ đường hẻm đến điểm tập kết rác theo quy định; quét và thu gom vận chuyển rác đường chính đến vị trí tập kết. Tổng giá trị gói thầu là 14,9 tỷ đồng, giá trúng thầu là 10,07 tỷ đồng, tiết kiệm được 33% kinh phí. Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ đô thị An Phong và Công ty TNHH Công trình đô thị Phan Thiết trúng thầu gói thầu xã hội hóa chăm sóc cây xanh trên địa bàn các xã, phường: Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải, Phước Long, Vĩnh Lương và Phước Đồng. Gói thầu này thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 10-2013. Giá gói thầu là 19,848 tỷ đồng, giá trúng thầu là 13,992 tỷ đồng, tiết kiệm 30% kinh phí.
Ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đánh giá: “Qua hơn một năm thực hiện, chất lượng dịch vụ được các đơn vị trúng thầu thực hiện tương đối tốt. Trước mắt, việc đấu thầu giúp tăng khả năng cạnh tranh chất lượng dịch vụ của các đơn vị, tiết kiệm chi ngân sách từ 30 - 33% so với thực hiện theo hình thức đặt hàng. Thời gian tới, TP. Nha Trang sẽ tiếp tục nhân rộng thực hiện thí điểm đấu thầu dịch vụ công ích ở một số khu vực trên các lĩnh vực vệ sinh môi trường để giảm chi ngân sách. Tương lai sẽ đấu thầu toàn bộ các dịch vụ công ích”.
Triển khai trên toàn tỉnh
Được biết, hiện tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều đang phải bù lỗ cho hoạt động dịch vụ công ích. Tại TP. Nha Trang, hàng năm ngân sách phải chi trả cho dịch vụ vệ sinh môi trường 148,89 tỷ đồng, dịch vụ nạo vét duy trì hệ thống thoát nước 41,89 tỷ đồng. Các địa phương khác như Diên Khánh năm 2014 phải chi 15 tỷ đồng cho dịch vụ công ích nhưng chỉ thu được 1 tỷ đồng từ thu phí người dân; huyện Vạn Ninh chi 5,2 tỷ đồng nhưng chỉ thu về được 900 triệu đồng...
Mô hình thu gom rác tự quản Hiện nay, TP. Nha Trang đã triển khai mô hình thu gom rác tự quản trên địa bàn các xã, phường: Vĩnh Nguyên, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Phước Đồng, Phước Hải, Ngọc Hiệp, Vĩnh Phước và Vĩnh Nguyên với tổng cộng 35 tổ tự quản đang hoạt động. Mô hình này xây dựng các cộng đồng dân cư tự lực thu gom rác trong hẻm về điểm tập kết, chủ động về tài chính, cân đối thu chi trong các dịch vụ công ích trên cơ sở phí vệ sinh thu được từ các hộ dân. Đến nay, các địa phương được thực hiện đã giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn, đường hẻm. Thời gian tới, TP. Nha Trang sẽ triển khai mô hình này ở 27 xã, phường trong toàn thành phố. |
Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, dự toán tổng kinh phí dịch vụ công ích trên địa bàn thị xã là 18,408 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc duy trì hệ thống cây xanh và điện chiếu sáng tại Khu tái định cư Ninh Thủy gần 3 tỷ đồng. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Hiện nay, thị xã đã thực hiện thí điểm đấu thầu xã hội hóa một số dịch vụ công ích trên địa bàn phường Ninh Hiệp và đạt được kết quả tích cực. Riêng năm 2014, dự kiến tiết kiệm gần 600 triệu đồng từ việc đấu thầu xã hội hóa. Đối với các hạng mục duy trì cây xanh đô thị, điện chiếu sáng công cộng, thoát nước đô thị, dự kiến sẽ triển khai thực hiện đấu thầu xã hội hóa trong năm 2015”.
Mới đây, tại cuộc họp về việc triển khai xã hội hóa dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn tỉnh, ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải chọn một số khu vực để tiến hành đấu thầu xã hội hóa trong năm 2015. Các nội dung đấu thầu gồm: thu gom rác, chăm sóc cây xanh, điện chiếu sáng. Sau khi đấu thầu phải theo dõi giám sát chất lượng, rút kinh nghiệm để tiếp tục đấu thầu các hạng mục khác.
Theo ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính, hầu hết các địa phương đều ngại đấu thầu xã hội hóa. “Các địa phương báo cáo gặp nhiều khó khăn nhưng thực tế cho thấy qua đấu thầu tiết kiệm được rất nhiều ngân sách Nhà nước. Năm 2015, tỉnh kiên quyết giao đấu thầu dịch vụ công ích về các huyện. Vì vậy, nếu huyện không thực hiện thì lấy ngân sách huyện ra bù lỗ. Đề nghị các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện đấu thầu các dịch vụ công ích, nếu có vướng mắc thì báo cáo sở, ngành, UBND tỉnh để giải quyết”, ông Bé nói.
VĂN KỲ
Không đấu thầu chăm sóc cây xanh dọc đường Trần Phú
Ông Lê Đức Vinh cho biết, TP. Nha Trang tổ chức đấu thầu các hạng mục chăm sóc cây xanh trong thành phố nhưng cây xanh dọc công viên và dải phân cách trên đường Trần Phú vẫn giao cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang chăm sóc để đảm bảo chất lượng. Sau 2 - 3 năm thực hiện đấu thầu, nếu hình thành được các đơn vị đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường thì sẽ triển khai đấu thầu toàn bộ.