11:10, 16/10/2014

Thận trọng với báo cáo thị trường bất động sản

Báo cáo về thị trường bất động sản thường được các đơn vị tư vấn nghiên cứu họp báo tung ra định kỳ theo quý, theo tháng, cung cấp số liệu của thị trường nhà ở mọi phân khúc...

Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) thường được các đơn vị tư vấn nghiên cứu họp báo tung ra định kỳ theo quý, theo tháng, cung cấp số liệu của thị trường nhà ở mọi phân khúc... Các báo cáo này cũng đưa ra nhiều nhận định liên quan đến xu hướng vận động của thị trường. Tuy nhiên, những thông tin được công bố trong các báo cáo gần đây đặt ra nhiều câu hỏi là liệu các thông tin này có thực sự minh bạch hay đó chỉ là một hình thức để quảng cáo dự án và định hướng dư luận theo quan điểm của đơn vị phát hành.


Trong buổi họp báo gần đây nhất do CBRE Việt Nam - một công ty kinh doanh dịch vụ BĐS lớn tổ chức, Thông cáo báo chí về Tổng quan thị trường BĐS quý III/2014 phát hành ngày 2-10 tại Hà Nội khiến phóng viên không khỏi ngạc nhiên khi có đến 4/6 tiêu chí nội dung của báo cáo nói về một dự án do đơn vị này làm đại diện tiếp thị kinh doanh. Việc CBRE đưa một lượng lớn thông tin về dự án do mình tiếp thị vào báo cáo chưa thể khẳng định là vô tình hay có chủ ý, bởi đây là dự án tham gia nhiều phân khúc BĐS. Điều bất thường nằm ở cách mà CBRE lựa chọn phương thức tổ chức họp báo công bố bản báo cáo này. Hiện trên thị trường BĐS có rất ít đơn vị có báo cáo thị trường BĐS đều đặn như CBRE, Savill, Cusman & Wakefield Việt Nam. Trong khi Savill luôn họp báo công bố rộng rãi với 70 phóng viên các cơ quan báo đài, cùng đại diện của hàng trăm doanh nghiệp, chuyên gia, ngân hàng, các quỹ đầu tư thì CBRE họp báo chỉ mời phóng viên thân thiết với số lượng hạn chế tham gia.


Theo một chuyên gia BĐS, không thể phủ nhận vai trò và sự đóng góp của các doanh nghiệp khi họ tham gia nghiên cứu thị trường và công bố báo cáo. Họ mất chi phí thuê đội ngũ nghiên cứu làm việc trong khi thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu. Bên cạnh đó, bản thân các đơn vị nghiên cứu cũng đồng thời là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh BĐS, nên tất nhiên họ phải làm để ít nhiều phục vụ mục đích của họ so với khoản tiền họ đã đầu tư. “Riêng về khía cạnh PR, với một số lượng lớn các bài báo được xuất bản có sử dụng dữ liệu từ các báo cáo thị trường BĐS thì rõ ràng các đơn vị nghiên cứu có lợi thế rất lớn về mặt PR thương hiệu và dịch vụ một cách thông minh và khôn khéo. Và bạn đọc bài báo đó khó có thể nhận ra đâu là thông tin thật và đâu là thông tin bị “gài” chưa khách quan. Nói một cách khác, thông tin từ báo cáo thị trường BĐS không phải thông tin nào cũng đáng tin cậy để dẫn nguồn” - vị chuyên gia đánh giá.


Mặt khác, xuất phát từ nhu cầu của xã hội, Việt Nam cần nhiều hơn những nghiên cứu tổng hợp về thị trường BĐS từ nhiều cơ quan khác nhau để nguồn tham khảo phong phú, chất lượng và minh bạch hơn. Các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp chuyên môn... đều có thể làm tốt công tác này thay vì chỉ có vài nhà nghiên cứu ngoại cung cấp như hiện nay.


T.A (Tổng hợp)