05:09, 12/09/2014

Xây dựng Quy ước bảo vệ môi trường: Một cách làm hay

Triển khai từ năm 2013, sáng kiến xây dựng Quy ước bảo vệ môi trường đang được thực hiện có hiệu quả tại phường Cam Lộc (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa).

Triển khai từ năm 2013, sáng kiến xây dựng Quy ước bảo vệ môi trường (BVMT) đang được thực hiện có hiệu quả tại phường Cam Lộc (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa).


Sáng kiến hay

 

Những khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác BVMT và điều chỉnh, khắc phục những hành vi ứng xử chưa tốt đối với môi trường khiến bà Nguyễn Thị Mai Thanh Ngọc - Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP. Cam Ranh trăn trở và quyết định thực hiện đề tài sáng kiến cấp cơ sở về vấn đề này. “Chúng ta đã có nhiều cách làm hay như quy ước xây dựng đời sống văn hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay phục hồi hương ước bảo vệ rừng ở một số tỉnh. Vậy tại sao chúng ta không xây dựng quy ước BVMT làm cơ sở để điều tiết những hành vi chưa phù hợp của người dân trong công tác BVMT?”, bà Ngọc chia sẻ.

 

Người dân Cam Lộc đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Người dân Cam Lộc đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.


Ý tưởng đó nhanh chóng trở thành đề tài và được các cấp có thẩm quyền cho phép triển khai trong 2 năm 2013 - 2014. Phường Cam Lộc (TP. Cam Ranh) được chọn thí điểm bởi đây là địa bàn từng triển khai nhiều dự án liên quan đến công tác BVMT và thu gom rác thải. Đề tài đề cập đến các vấn đề đáng quan tâm hiện nay như: Tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra môi trường, người dân chưa ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải, việc đổ rác không đúng giờ quy định gây ô nhiễm; chăn nuôi gia súc, gia cầm gây bức xúc trong khu dân cư, tình trạng vật nuôi phóng uế trên đường phố; đổ rác thải, nước thải ra đường từ các hoạt động buôn bán, rửa xe… gây tù đọng, ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị; chiếm dụng lòng, lề đường, hè phố để kinh doanh… Tất cả những hành vi trên cần được điều chỉnh để BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Bản Quy ước BVMT tập trung vào 7 điểm nên và không nên làm. Bên cạnh đó, Quy ước còn tích hợp việc thực hiện ký cam kết BVMT của hộ gia đình để thực hiện.


Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường

 

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh Ngọc: Sau khi vận động thực hiện Quy ước, nhận thức của người dân dần thay đổi. Tình trạng đổ nước thải ra đường được hạn chế, người dân đã tự xây dựng hầm rút, nhà vệ sinh; tình trạng vứt rác bừa bãi cũng giảm, nhiều hộ không còn chăn nuôi trong khu dân cư (hiện chỉ còn 10 hộ). Các điều nên và không nên làm trong Quy ước được người dân phát huy, thực hiện…

Nhiều hộ dân ở khu Cư xá Cam Lộc trước đây thường chăn nuôi gia súc trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Nhờ thực hiện quy ước, tình trạng này đã có chuyển biến tốt. Bà Nguyễn Thị Đức, hộ dân tại Cư xá chia sẻ: “Trước đây, tôi thường nuôi heo tại nhà để có thêm thu nhập. Nhận thức được việc BVMT cũng như ký cam kết thực hiện quy ước BVMT, hiện nay tôi đã không còn nuôi heo nữa và tìm công việc khác thích hợp hơn”. Ông Nguyễn Văn Ngọ - hộ dân khác cho biết: “Từ khi phường triển khai thực hiện Quy ước BVMT, các hộ dân chấp hành tốt, không còn hiện tượng đổ nước thải ra đường, đồng thời xây dựng hầm rút thu gom nước thải. Việc chăn nuôi heo trong khu dân cư đã hạn chế nhiều…”.


Quan sát các tuyến phố trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy rất sạch sẽ, không có cảnh rác tập trung tại các góc khuất như trước đây mà được thu gom vào bao bì hay bỏ vào các thùng rác công cộng.


Theo ông Võ Thế Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Lộc, sau khi Phòng Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng Quy ước, chọn địa phương để thực hiện, phường đã nhanh chóng lồng ghép công tác vận động, tuyên truyền và tổ chức ký cam kết thực hiện Quy ước đến các tổ dân phố, hộ gia đình. Thành phố cũng đã hỗ trợ phường 10 thùng rác đặt tại các điểm hợp lý. Trong quá trình thực hiện, các hộ dân trên địa bàn tự kiểm tra lẫn nhau. Cuối năm, phường tiến hành bình xét, nêu gương điển hình thực hiện tốt việc BVMT.


Có thể nói, sáng kiến xây dựng Quy ước BVMT tại Cam Lộc là cách làm hay cần phát huy. Đây là cách làm mới và hiệu quả, tác động trực tiếp vào cách ứng xử của con người đối với môi trường, có nhiều ưu điểm so với cách can thiệp, chế tài bằng luật khô khan và khó thực hiện.


P.L


 Bản Quy ước BVMT tập trung vào 2 nội dung cơ bản:


7 điểm nên: phân loại rác thải, không vứt rác, đổ nước thải bừa bãi ra đường, vỉa hè, đổ rác đúng nơi và thời gian quy định, hạn chế sử dụng túi nilon; sử dụng tiết kiệm điện, nước; trồng và chăm sóc cây xanh; thường xuyên tham gia dọn vệ sinh khu phố, ngõ, hẻm, nơi công cộng… 7 điểm không nên: đánh bắt thủy hải sản bằng phương tiện hủy diệt; phá hoại, khai thác rừng trái phép; mua bán, sử dụng động, thực vật hoang dã, quý hiếm; đổ chất thải chưa xử lý vào đất, nguồn nước; gây tiếng ồn lớn, độ rung mạnh trong khu dân cư…).