05:09, 27/09/2014

"Trung tâm ô nhiễm" trên đồi Hòn Dú

Theo đơn thư bạn đọc, tôi tìm đến bãi tập kết phân gà trên đồi Hòn Dú - nơi đang gây bức xúc và khổ sở cho người dân thôn Tân An (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Đây là khu dân cư nằm biệt lập về phía Tây và cách trung tâm xã chừng 3km.

Theo đơn thư bạn đọc, tôi tìm đến bãi tập kết phân gà trên đồi Hòn Dú - nơi đang gây bức xúc và khổ sở cho người dân thôn Tân An (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Đây là khu dân cư nằm biệt lập về phía Tây và cách trung tâm xã chừng 3km. Dọc con đường độc đạo đến thôn là những nương mía xanh tốt. Dẫu còn xa mới tới thôn nhưng mùi hôi thối đã xộc lên, khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, bức bối.


Đồi thành... bãi phân gà


Gặp tôi, anh Huỳnh Kính Hùng - một người dân trong thôn, tay bịt mũi, tay chỉ về hướng quả đồi Hòn Dú nằm ở phía Nam thôn Tân An nói: “Bãi tập kết phân gà của ông Chính nằm trên đó, cách xa hơn 300m nhưng mùi hôi thối ở đây vẫn nồng nặc. Từ khi bãi tập kết phân gà hình thành, chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi triền miên, ruồi nhặng cũng phát sinh dày đặc”.

 

1
Một ô chứa phân gà ở bán sườn phía Bắc đồi Hòn Dú.


 Tôi vào nhà anh Hùng được một lúc thì hàng chục người dân trong thôn kéo đến, ai nấy đều rất bức xúc. Ông Võ Lự (89 tuổi) phàn nàn: “Những lúc có gió thổi từ hướng Nam đến, mùi phân gà nồng nặc đến ngạt thở. Tôi già rồi còn sống được mấy hơi, chỉ tội cho lũ trẻ trong làng hít cái mùi này riết sẽ sinh ra nhiều bệnh. Chúng tôi đã kêu cứu cả tháng nay rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào xử lý”.


Tôi được người dân dẫn lên đồi Hòn Dú. Khi chỉ còn hơn 40m là đến đỉnh đồi, mọi người bảo tôi nghỉ chân một lúc. Lúc này, mùi hôi cũng đã rất nặng khiến tôi có cảm giác buồn nôn. Một người trong nhóm giải thích: “Nếu mình không nghỉ, leo lên đó sẽ mệt, thở dốc nên sẽ hít phải mùi phân gà nhiều và sâu dễ dẫn đến ngất xỉu tại chỗ”.


Sau ít phút giải lao, lên đến nơi, mới chỉ quan sát được vài phút, tôi đã bị ngạt thở, hoa mắt, đầu óc choáng váng như bị trúng độc vì mùi hôi thối không thể tả xiết. Lúc này, quần áo, máy ảnh của tôi đã bị ruồi nhặng bu đầy. Tôi cố sức chạy xuống chân đồi, rồi nôn thốc nôn tháo. Đợi cho cơ thể dễ chịu hơn, tôi tiếp tục lên đồi Hòn Dú một lần nữa để xâm nhập “trung tâm ô nhiễm”. Lần này, chúng tôi đi vòng ra phía sau đồi Hòn Dú nhằm tránh bị mùi hôi theo hướng gió “tấn công” trực diện. Tuy nhiên, cũng như lần trước, chúng tôi bị đánh bật ra khỏi “điểm nóng” chỉ sau vài phút tiếp cận. Là phóng viên từng rất nhiều lần điều tra về ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua, nhưng đây là lần mà tôi thấy kinh hoàng nhất về sự ô nhiễm.

 

Những khu rẫy gần bãi chứa phân gà, bất đắc dĩ bị bỏ hoang.
Những khu rẫy gần bãi chứa phân gà, bất đắc dĩ bị bỏ hoang.


Theo người dân thôn Tân An, từ khi có bãi chứa phân gà trên đồi Hòn Dú, ngoài việc bị mùi hôi thối kinh hoàng “tra tấn” 24/24 giờ, đời sống của họ còn bị đảo lộn bởi ruồi nhặng sinh sôi và phát tán dày đặc khắp cả thôn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó thôn Tân An cho biết: “Ban ngày, người dân phải giăng mùng khi ăn cơm để tránh ruồi. Nhà tôi cách rất xa đồi Hòn Dú, nhưng mỗi khi ở nhà tôi phải đóng bít cửa rồi đốt trầm để đối phó với ruồi nhặng và át bớt mùi hôi thối. Tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên xã, xã cũng kiên quyết xử lý nhưng chủ bãi tập kết phân không chấp hành”.


Bãi chứa với khoảng hàng chục tấn phân gà nằm trên ngọn đồi thấp, trải rộng với rất nhiều ô chứa nằm xen kẽ giữa những hàng xoài vài ba năm tuổi. Xung quanh là rẫy trồng mía, mì của người dân địa phương. Nhưng theo người dân nơi đây, từ cuối tháng 7-2014 đến nay, khi xuất hiện bãi chứa phân nói trên, người dân phải bỏ hoang toàn bộ diện tích rẫy này vì không chịu nổi mùi phân gà. Không chỉ vậy, địa điểm tập kết phân gà lại nằm trên cao, dưới chân đồi là thượng nguồn con suối cạn Ba Dốc nên về lâu dài, nó sẽ có tác hại không nhỏ đối với môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước. Ông Kỳ lo ngại: “Người dân nơi đây đều dùng nước giếng đào nên nếu để bãi chứa phân tồn tại lâu dài, nước phân sẽ thẩm thấu, ảnh hưởng đến nước giếng. Và lúc đó, không chỉ ở thôn Tân An mà cả khu vực phía dưới cũng sẽ bị ảnh hưởng”. Bên cạnh đó, trên địa bàn thôn Tân An có điểm Trường Mẫu giáo Thiên Nga và điểm Trường Tiểu học Cam An Bắc, nên người dân địa phương càng bức xúc và lo lắng cho con em họ hơn.


Người vi phạm cố tình dây dưa

 

Ông Nguyễn Ngọc Tiên - Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc: “Đích thân tôi đã kiểm tra 3 lần và cả 3 lần tôi đều bị nôn tại chỗ vì mùi hôi thối của phân gà. Bản thân tôi sau khi kiểm tra, đã nói với người dân thôn Tân An rằng, nếu không sớm xử lý dứt điểm vụ việc này để trả lại môi trường trong lành thì tôi sẽ từ chức”.

Qua tìm hiểu được biết, bãi chứa phân gà nói trên là của ông Phùng Quốc Chính (thường trú TP. Cam Ranh). Ông Chính là chủ trại chăn nuôi gà đẻ quy mô rất lớn ở xã Cam Hiệp Nam (giáp ranh với thôn Triệu Hải, xã Cam An Bắc). Trại có quy mô 30.000 con, mỗi ngày tiêu hóa khoảng 3 tấn thức ăn nên thải ra lượng phân rất lớn. Từ cuối tháng 7-2014, ông Chính chở phân gà tươi từ trại lên rẫy xoài của mình trên đồi Hòn Dú để phơi khô, rồi bán. Thời gian đầu, khi có mùi hôi thối bất thường, vì cách xa trên núi nên người dân không biết, cứ nghĩ do có động vật chết. “Sau khi phát hiện nguyên nhân, chúng tôi đến góp ý với ông Chính, nhưng ông ấy nói đất của tôi, tôi muốn làm gì thì làm, muốn kiện thì cứ đi mà kiện”, một người dân nói.


Người dân thôn Tân An đã làm đơn phản ánh lên xã về vấn đề này. Ngày 8-9, UBND xã Cam An Bắc kiểm tra, xác định bãi chứa phân gà của ông Chính gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngày 9-9, xã đã mời ông Chính lên làm việc và ông cam kết đến ngày 14-9 sẽ di chuyển hết phân gà tại đây. Thế nhưng, không những không thực hiện cam kết, ông Chính còn cho chở phân gà đến nhiều hơn. Khi UBND xã Cam An Bắc nhắc nhở, ông Chính lại xin gia hạn đến ngày 26-9 sẽ di chuyển hết phân gà để khắc phục môi trường ở khu vực này.


Ông Nguyễn Ngọc Tiên - Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc khẳng định: “Tuy ông Chính tập kết phân gà trên đất của mình, nhưng việc làm này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân là không được phép. Địa phương đã báo cáo UBND huyện và đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Cam Lâm kiểm tra vụ việc này để có cơ sở xử lý”.


NAM ANH