11:09, 29/09/2014

Thúc đẩy hoạt động chăm sóc, bảo vệ rừng

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMT) rừng sẽ mở ra cơ hội hưởng lợi cho người trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Qua đó, luôn giữ cho rừng mãi xanh…

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMT) rừng sẽ mở ra cơ hội hưởng lợi cho người trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Qua đó, luôn giữ cho rừng mãi xanh…


Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều thế mạnh về rừng với tổng diện tích tự nhiên  521.765,5ha. Trong đó, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp 284.459,4ha; diện tích đất có rừng 212.903,7ha, chiếm 40,6% diện tích đất tự nhiên. Để tạo bước ngoặt chính sách đối với nghề rừng, tỉnh đã xây dựng, thông qua Đề án chi trả DVMT rừng; thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển (BV-PT) rừng để làm đầu mối thực hiện việc thu, chi trả phí DVMT rừng. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy thực hiện tốt công tác BV-PT rừng.


Theo Đề án chi trả DVMT rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nhóm đối tượng sử dụng DVMT rừng phải chi trả phí gồm: 2 nhà máy thủy điện Ea Krông Rou và Sông Giang; 27 đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch; 8 cơ sở kinh doanh du lịch cảnh quan với mức nộp 20 đồng/kW điện thương phẩm, 40 đồng/m3 nước thương phẩm và 1 - 2% doanh thu du lịch. Dự kiến, tổng số tiền thu từ các đối tượng sử dụng DVMT rừng trong giai đoạn 2011 - 2014 hơn 14,1 tỷ đồng; riêng số thu năm 2014 gần 4,9 tỷ đồng. Nguồn thu này sẽ được trích để chi trả cho các chủ rừng và trích một phần cho Quỹ BV-PT rừng Việt Nam, Quỹ BV-PT rừng tỉnh để chi cho công tác quản lý, bổ sung kinh phí dự phòng. HIện nay, Quỹ BV-PT rừng đã đi vào hoạt động và đang triển khai chính sách chi trả DVMT rừng.

 

 Nhà máy Thủy điện Ea Krông Rou là một trong những đơn vị chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: N.T
Nhà máy Thủy điện Ea Krông Rou là một trong những đơn vị chi trả dịch vụ môi trường rừng.


Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, việc thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Chẳng hạn như chưa có hướng dẫn về xác định phạm vi, ranh giới diện tích của các khu cung ứng DVMT rừng về cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định căn cứ để tính toán thu, chi DVMT rừng. Hoặc mức quy định cụ thể về chi trả DVMT rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn chưa được hướng dẫn. Các quy định về chế tài xử lý đối với những đối tượng sử dụng DVMT rừng không thực hiện nghĩa vụ nộp chưa đủ mạnh...

 

Theo ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc truy thu tiền sử dụng DVMT rừng giai đoạn 2011 - 2013 cần tính toán sao cho phù hợp. Trong thực hiện chính sách này, phải làm rõ trách nhiệm của các đối tượng chi trả DVMT rừng; có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm... Đối với các đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, không nên đưa vào danh sách các đối tượng phải chi trả DVMT rừng.

Việc thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng sẽ huy động tối đa nguồn lực để phục vụ cho công tác BV-PT rừng; từng bước thực hiện xã hội hóa nghề rừng. Bên cạnh đó, giúp các địa phương miền núi xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống... Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng là một cơ chế sòng phẳng giữa các đơn vị khai thác thủy điện, nước sinh hoạt, kinh doanh du lịch với các chủ rừng, người trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Có được nguồn thu này, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng sẽ có thêm kinh phí để tăng cường tuần tra, truy quét, đầu tư các công trình lâm sinh, làm tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng. Đây cũng là phương thức hỗ trợ giúp giảm bớt gánh nặng chi đối với nguồn ngân sách Nhà nước.


Với chính sách chi trả DVMT rừng đang được triển khai, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.


B.L