09:05, 06/05/2014

Nguy cơ ô nhiễm vịnh Nha Trang: Cần có giải pháp đồng bộ

Thói quen xả rác thẳng xuống biển của người dân cùng những điều kiện sinh hoạt đặc thù của các khu dân cư ven biển đang khiến cho môi trường nước trong vịnh Nha Trang có nguy cơ ô nhiễm.

Thói quen xả rác thẳng xuống biển của người dân cùng những điều kiện sinh hoạt đặc thù của các khu dân cư (KDC) ven biển đang khiến cho môi trường nước trong vịnh Nha Trang có nguy cơ ô nhiễm.


Ô nhiễm từ khu dân cư ven biển


Hiện nay, ở TP. Nha Trang vẫn còn một số khu vực dân cư sống trên những căn nhà chồ, nhà tạm được dựng sát biển như: cửa sông Cái, khu vực phường Vĩnh Nguyên, khu vực Cửa Bé (phường Vĩnh Trường)... Do điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế cùng thói quen lâu đời nên nhiều năm nay, những khu vực này chính là nơi đổ chất thải ra vịnh Nha Trang.


Tại khu vực Cửa Bé, từ sáng đến tối, nước biển luôn trong tình trạng đen kịt. Những lúc trời nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Sát bên đó là KDC với hàng chục căn nhà chồ được dựng sát biển. Túi ni lông, rác thải sinh hoạt đều được người dân tống xuống biển. Ở “xóm chạy sóng” nằm sát biển thuộc phường Vĩnh Nguyên, tuy sạch sẽ hơn (vì không có cảng cá), nhưng những túi ni lông và rác thải vẫn được xả ở mép biển. Nhiều nhà lắp hẳn ống dẫn nước thải lộ thiên ra biển. KDC dọc hai bên cửa sông Cái Nha Trang cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, dọc hai bờ kè sông Cái, các quán nhậu mọc san sát nhau, nhiều quán nhậu ở vỉa hè đều quét hết rác thải xuống cửa sông...


Mới đây, Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đã có báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng nước trong vịnh. Theo đó, tình trạng nhiễm coliform cao nhất là khu vực cửa sông Cái, mật độ vibrio cao nhất tại khu vực Cửa Bé. Như vậy, có thể nói, ảnh hưởng của nước sông Cái khá rõ, đặc biệt đây là nguồn chính gây nhiễm coliform cho vịnh Nha Trang. Đây là kết quả của chương trình khảo sát chất lượng nước được BQL vịnh Nha Trang phối hợp với Viện Hải dương học thực hiện thường xuyên. Những mẫu nước được lấy tại các khu vực ô nhiễm như: cửa sông Cái, Cửa Bé... vào mùa khô và mùa mưa để xét nghiệm. Các kết quả sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường trầm tích trong vịnh. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Khu vực dân cư cảng Cửa Bé luôn trong tình trạng ô nhiễm.
Khu vực dân cư cảng Cửa Bé luôn trong tình trạng ô nhiễm.


Ông Trương Kỉnh - Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng nước vịnh Nha Trang mới nhất cho thấy, tuy chất lượng nước hiện nay tại vịnh Nha Trang chưa đến mức báo động nhưng đã xuất hiện những điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đe dọa đến đa dạng sinh học trong vịnh. Do đó, cần có những biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) vịnh kịp thời và hợp lý.


Cần giải pháp đồng bộ


Hiện nay, Cửa Bé và sông Cái vẫn là hai khu vực có ảnh hưởng rõ rệt nhất đến chất lượng nước vịnh Nha Trang (thể hiện qua mật độ coliform và vibrio cao hơn các khu vực khác). Vì vậy, BQL vịnh Nha Trang cho biết, cần có những biện pháp ngăn chặn nguồn nước thải trực tiếp chưa qua xử lý của các doanh nghiệp thủy sản, nhà máy và khu vực dân cư tại hai nơi này. Bên cạnh đó, cần tiến hành quan trắc chất lượng nước thường xuyên từ các con sông, cống rãnh đổ nước thải trực tiếp ra biển Nha Trang để phát hiện những mối đe dọa đối với môi trường biển. Từ đó, có biện pháp bảo vệ kịp thời.


Theo BQL vịnh Nha Trang, kết quả đánh giá môi trường trầm tích cho thấy hàm lượng các kim loại nặng luôn nằm trong ngưỡng cho phép, tuy nhiên đã bắt đầu có sự nhiễm coliform, vibrio trong môi trường trầm tích vịnh Nha Trang. Vì vậy, cần hạn chế xây dựng, san lấp mặt bằng các công trình ven biển và trên các đảo trong vịnh. Đối với các công trình được phép xây dựng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phối hợp với BQL vịnh Nha Trang giám sát việc thực thi BVMT theo cam kết của chủ đầu tư. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp kiểm tra định kỳ công tác xử lý nước, rác thải của doanh nghiệp du lịch trên các đảo trong vịnh Nha Trang.


Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường BVMT. Trong đó, bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn, miền núi, ven biển, hải đảo và quản lý tài nguyên biển, đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. UBND tỉnh cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần triển khai để BVMT biển như: Triển khai và thực hiện Dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2015; xây dựng, triển khai kế hoạch phá bỏ và chấm dứt các nhà vệ sinh xả thải trực tiếp xuống sông, biển; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thu gom chất thải rắn từ các KDC, khu du lịch ven biển... Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện; giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31-12.


Nhật Thanh