01:04, 25/04/2014

Xây dựng Khánh Hòa thành trung tâm khoa học và công nghệ biển

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, theo quy hoạch phát triển Khoa học - Công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020 phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm Khoa học - Công nghệ, đặc biệt là Khoa học - Công nghệ biển.

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết, theo quy hoạch phát triển KH-CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020 phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm KH-CN, đặc biệt là KH-CN biển.


- Xin ông cho biết một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030?


- Theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2020, đóng góp của KH-CN thông qua năng suất các yếu tố tổng hợp khoảng 35% cho tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%; tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 2% GDP; số lượng sáng chế tăng gấp 2 lần năm 2016; tạo bước đột phá trong chính sách nhân lực KH-CN. Đến năm 2020, Khánh Hòa xây dựng được hạ tầng kỹ thuật trong việc phát triển công nghệ cao và đưa khu công nghệ cao của tỉnh vào hoạt động…


Tầm nhìn đến năm 2030, Khánh Hòa nằm trong các thành phố hàng đầu của Việt Nam có nhiều kết quả nghiên cứu KH-CN mới, được đưa vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực Đông Nam Á và xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Phát triển kinh tế tri thức phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa với bước đi thích hợp; đến năm 2030 sẽ hình thành một số ngành kinh tế thể hiện được các tiêu chí của kinh tế tri thức.

 


- Ông có thể nói rõ hơn về những nội dung chính trong quy hoạch phát triển ngành KH-CN của tỉnh?


- Quy hoạch phát triển được xây dựng vừa toàn diện vừa cụ thể cho từng lĩnh vực KH-CN: nghiên cứu kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn; nghiên cứu điều tra cơ bản và môi trường; phát triển các ngành công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng); phát triển KH-CN ở các ngành và lĩnh vực chủ yếu. Trong đó, đối với ngành Du lịch, sẽ xây dựng thương hiệu các khu du lịch biển Nha Trang, du lịch vịnh Vân Phong và du lịch biển Bắc bán đảo Cam Ranh thành thương hiệu du lịch quốc gia. Quy hoạch quan tâm đến xây dựng và phát triển các tổ chức KH-CN; xây dựng hệ thống tổ chức quản lý hoạt động KH-CN; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực KH-CN; hướng phát triển KH-CN mang tính đột phá tại Khánh Hòa; hướng phát triển KH-CN cho TP. Nha Trang, khu kinh tế Vân Phong, TP. Cam Ranh và các vùng phụ cận; huyện Trường Sa. Riêng Nha Trang, theo quy hoạch, sẽ xây dựng nhà chiếu hình thiên văn - vũ trụ; nhà triển lãm công nghệ biển; trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các nhu cầu phát triển công nghệ cao, cán bộ quản lý công nghệ cao tại Khánh Hòa.


- Hướng phát triển đột phá về KH-CN ở Khánh Hòa là gì, thưa ông?


- Khánh Hòa có lợi thế so sánh để phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển là định hướng trọng điểm, đột phá của tỉnh. Do đó, hướng phát triển KH-CN đột phá là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ về khai thác, phát triển kinh tế biển. Tập trung nguồn lực KH-CN đầu tư vào các ngành, lĩnh vực: Nuôi trồng (đặc biệt là nuôi trồng trên biển), đánh bắt và chế biến thủy sản; khai thác, chế biến và nâng cao giá trị các sản phẩm từ biển (đặc biệt là các hợp chất polyme hữu cơ); du lịch biển  đảo; công nghiệp đóng tàu, tập trung vào tàu tải trọng lớn, hiện đại; phát triển nhiệt điện, tập trung vào nhiệt điện Vân Phong; dầu khí (lọc hóa dầu, hậu cần dầu khí, kho xăng dầu ngoại quan).


- Xin ông cho biết những nhiệm vụ KH-CN ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Trường Sa?


- Để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Trường Sa, sẽ tăng cường nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của các ngành Trung ương về biển. Đồng thời, tích cực hợp tác nghiên cứu với các ngành Trung ương về biển trên hải phận của Khánh Hòa và quần đảo Trường Sa để có các số liệu khoa học về vùng biển Khánh Hòa và Trường Sa. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong xây dựng các công trình dân dụng và quân sự trong môi trường khí hậu biển đảo; công nghệ điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học cho sản xuất rau, quả, nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng hải sản, trồng rừng trên các đảo; công nghệ tạo, sử dụng, tích trữ nước ngọt từ nước biển, công nghệ chống ăn mòn vật liệu trong môi trường biển đảo.


- Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH-CN, cần thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?


- Quy hoạch đã xây dựng đồng bộ nhiều nhóm giải pháp và chính sách để thực hiện. Đó là, nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phát triển KH-CN; các giải pháp phát triển thị trường công nghệ; tăng cường quản lý nhà nước về KH-CN; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho KH-CN. Cùng với đó, đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến cơ chế tài chính (đẩy nhanh việc thành lập quỹ KH-CN Khánh Hòa), khuyến khích động viên, thu hút nhân tài trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN; tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động KH-CN.


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)