01:04, 25/04/2014

Sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường: Hiệu quả bước đầu

Những năm qua, việc sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp môi trường đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề về môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Những năm qua, việc sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp môi trường (SNMT) đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề về môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.


Giải quyết nhiều vấn đề về môi trường


Đề tài “Triển khai các mô hình phục hồi và quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển khu vực đầm Thủy Triều (Cam Lâm)” do Viện Hải dương học chủ trì bước đầu đem lại những tín hiệu vui trong các hoạt động phục hồi, tái tạo rừng ngập mặn, thảm cỏ biển. Đồng thời đề xuất bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, đặc biệt huy động được sự chung tay của cộng đồng và doanh nghiệp trong các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học. Đây là một trong những dự án, đề tài sử dụng kinh phí SNMT góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề về môi trường tại Khánh Hòa.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), kể từ năm 2007, mỗi năm có trung bình khoảng 10 đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan đến công tác điều tra, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, áp dụng công nghệ mới của lĩnh vực bảo vệ môi trường. Có thể kể đến một số đề tài, dự án như: Điều tra, thống kê diện tích, thành phần loài rừng ngập mặn, cỏ biển phục vụ công tác quản lý đa dạng sinh học; dự án lập quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; báo cáo hiện trạng môi trường giai đoạn 2006 - 2010; dự án quy hoạch mạng lưới quan trắc tỉnh giai đoạn 2010 - 2020; đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực nội thị, thị trấn, thành phố khu vực dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vùng phụ cận trong tỉnh...

 

Phục hồi rừng ngập mặn tại đầm Thủy Triều là đề tài sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường.
Phục hồi rừng ngập mặn tại đầm Thủy Triều là đề tài sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường.

 

 Nguồn kinh phí SNMT được bố trí qua các năm như sau: Năm 2007: hơn 43 tỷ đồng; năm 2008: hơn 40 tỷ đồng; năm 2009: hơn 65 tỷ đồng; năm 2010: hơn 76 tỷ đồng; năm 2011: hơn 94 tỷ đồng; năm 2012: hơn 103 tỷ đồng; năm 2013: hơn 108 tỷ đồng. Năm 2014, dự kiến 110 tỷ đồng. Trong đó, bố trí vốn trực tiếp cho Sở TN-MT làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này khoảng 10% so với tổng vốn.

Đến nay, vẫn còn nhiều đề án, dự án, nhiệm vụ đang được triển khai và chuẩn bị nghiệm thu như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học trên cạn; thu thập thông tin và xây dựng bổ sung cơ sở dữ liệu môi trường; điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng chất thải nguy hại và đề xuất giải pháp quản lý. Ngoài ra còn những dự án khác như: đánh giá ô nhiễm do hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Cam Lâm; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học; bảo tồn 4 loài đặc hữu, quý hiếm tại bán đảo Cam Ranh; sưu tập, chuyển vị một số loài cây bản địa quý hiếm tại khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà; khảo sát đa dạng sinh học khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang...


Thời gian qua, việc xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn SNMT đã bám sát văn bản hướng dẫn của tỉnh và phù hợp với thực tế địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN-MT. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này đã từng bước đáp ứng công tác quản lý TN-MT; hỗ trợ kịp thời các ngành, các cấp trong việc xử lý các điểm ô nhiễm, mua sắm thiết bị, vật tư thu gom rác, nạo vét cống rãnh cải thiện môi trường đô thị; xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các bệnh viện... Ngoài ra, vốn SNMT còn bố trí thực hiện công tác quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện; tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên…


Đề nghị điều chỉnh, bổ sung


Theo bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở TN-MT, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nguồn vốn SNMT vẫn còn những tồn tại, bất cập. Do đây là lĩnh vực còn mới, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các đề tài, nhiệm vụ, dự án. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định hướng dẫn thẩm định, quản lý, sử dụng kinh phí SNMT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn bất cập như: Việc xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn còn chậm; một số ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch hoặc chậm triển khai nhiệm vụ; thời gian thực hiện nhiệm vụ kéo dài dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Bên cạnh đó, tỷ trọng phân bổ nguồn vốn sự nghiệp môi trường của tỉnh đạt tương đương 1% mức chi ngân sách địa phương nhưng phân bổ cho công tác quản lý nhà nước do Sở TN-MT còn thấp, chưa đạt mức 0,5 % mức chi ngân sách… Sở TN-MT đang đề xuất Bộ TN-MT hỗ trợ kinh phí SNMT cho tỉnh để giải quyết các vấn đề môi trường của địa phương; sớm ban hành các quy định, hướng dẫn công tác quản lý nguồn vốn SNMT...


P.L