08:03, 21/03/2014

Nhiều thôn thiếu nước sạch sinh hoạt

Nước sạch sinh hoạt là một trong những yếu tố góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng nhiều năm qua, phần lớn các thôn ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, nhất là Phước Sơn, Phước Thượng, Phước Hạ…

Nước sạch sinh hoạt là một trong những yếu tố góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng nhiều năm qua, phần lớn các thôn ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, nhất là Phước Sơn, Phước Thượng, Phước Hạ…


Hiện nay, trên địa bàn xã Phước Đồng chỉ có người dân 5 thôn khu vực Hòn Rớ được sử dụng nước máy 100%, 9 thôn còn lại tỷ lệ sử dụng nước máy đạt thấp. Trong khi đó, thôn Phước Sơn và Phước Thượng nằm gần Nghĩa trang Phước Đồng nên nguồn nước ngầm không đảm bảo vệ sinh. Người dân có đào giếng nhưng chủ yếu lấy nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt chứ không dám dùng sinh hoạt. Hơn 300 hộ dân thôn Phước Sơn hiện đang sử dụng nước suối tự chảy do một công ty tư nhân khai thác. Tuy nhiên, do nạn chặt phá rừng, đốt than và biến đổi khí hậu nên nguồn nước mặt tự nhiên cũng dần cạn kiệt. Một người dân ở thôn Phước Sơn nói: “Do không có nước máy nên chúng tôi phải mua nước suối sử dụng, nhưng vừa dùng vừa lo. Bởi vì, những gia đình làm rẫy và trồng cây ăn quả sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Khi trời mưa, những chất hóa học bị rửa trôi xuống suối, công ty không xử lý mà vẫn cung cấp cho người dân. Điều này rất nguy hại đến sức khỏe. Biết là bẩn nhưng vẫn phải dùng”.

 

Cứ vài ngày, bà Mai lại bơm nước dự trữ để dùng cho sinh hoạt.
Cứ vài ngày, bà Mai lại bơm nước dự trữ để dùng cho sinh hoạt.


Tại thôn Phước Hạ, chi phí để khoan một giếng có nước rất đắt đỏ, có giếng khoan tốn đến 80 triệu đồng mới đến mạch nước ngầm, cũng có gia đình đào đến giếng thứ 4 mới có nước sử dụng. Người dân ở đây chủ yếu là lao động nghèo nên phần lớn sử dụng nhờ nước tại những hộ dân có giếng đào hoặc phải mua nước về sử dụng. Trong khu đất nhà bà L. có một giếng khoan của đơn vị nghiên cứu địa chất để lại, bà L. đã chớp thời cơ kinh doanh bằng cách cho các hộ dân xung quanh bơm nước có thu tiền. Ban đầu, bà lắp đồng hồ nước cho công bằng; nhưng vì hộ nào cũng sử dụng tiết kiệm nên cả tháng họ dùng chỉ hết 1 hoặc 1,5m3 nước. Thấy thu nhập thấp, bà L. liền bỏ đồng hồ, chuyển sang lấy của mỗi gia đình đến bơm nước 20.000 đồng/lần. Mỗi lần bơm nước được nhiều cũng chỉ khoảng 1,5m3, tính ra giá nước ở đây cao gấp 3 - 4 lần giá quy định của Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Mai - người dân thôn Phước Hạ chia sẻ: “Tôi sống ở khu vực này đã gần 10 năm. Từ trước đến nay, vấn đề nước sinh hoạt luôn là nỗi lo hàng ngày. Mùa mưa đỡ hơn, còn mùa khô hạn thì rất khổ. Nước giếng ở đây bị nhiễm phèn, nhưng vì không có nước sạch nên vẫn phải dùng để ăn uống, sinh hoạt. Có khi các giếng nước này bị cạn nên chúng tôi phải rất tiết kiệm nước...”.


Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 11/14 thôn được sử dụng hệ thống nước máy của thành phố. Trong đó, 6 thôn gồm: Phước Trung, Phước Thủy, Phước Tân, Phước Lộc, Phước Thượng, Phước Điền có tỷ lệ sử dụng nước sạch chỉ đạt 40%. Trên địa bàn xã vẫn còn nhiều người dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Đặc biệt, thôn Phước Sơn hoàn toàn chưa được sử dụng nước máy. Đây là trăn trở của lãnh đạo xã. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và doanh nghiệp cấp thoát nước để nghiên cứu lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân”.


Được biết, địa bàn các thôn nói trên đã có đường ống nước tự chảy từ suối Lùng, suối Đá Rêu, do tư nhân khai thác để kinh doanh. Tuy nhiên, có những khu vực kinh phí lắp đặt khá cao, từ 5 đến 7 triệu đồng/hộ. Một số gia đình có điều kiện thì mức giá này có thể chấp nhận được; nhưng với phần lớn người dân lao động nghèo, họ không thể gánh nổi... Ông Đổng Phúc Ba - Trưởng thôn Phước Sơn cho biết: “Hơn 300 hộ dân thôn Phước Sơn và một nửa số hộ dân thôn Phước Thượng (khoảng 350 hộ) đang rất cần nước sạch sinh hoạt. Hàng năm, chúng tôi thường thiếu nước ăn từ tháng 4 đến tháng 8. Từ năm 2011 đến nay, do hạn hán nặng nên tình hình thiếu nước càng trầm trọng”.


Hiện nay, dọc theo Tỉnh lộ 3 đã có đường ống nước máy, nhưng mới chỉ có một nửa số dân thôn Phước Thượng được sử dụng, số còn lại và toàn bộ dân thôn Phước Sơn vẫn là vùng trắng về nước sạch sinh hoạt. Ông Đổng Phúc Ba nói: “Tuy nhân dân và cán bộ thôn đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên cấp trên qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được cấp nước máy. Chúng tôi sẵn sàng cùng đóng góp để có nước sạch sinh hoạt. Thế nhưng không biết bao giờ mới có nước máy?”.


Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn, lâu dài, đang được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, việc cấp nước sạch cho dân là một trong những vấn đề cấp thiết. Rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đến việc cấp nước sạch cho người dân các khu vực còn khó khăn ở xã Phước Đồng để người dân đỡ “khát”.


Hương Quỳnh