10:03, 28/03/2014

Thông tin ô nhiễm hóa chất do trồng cây cao su: Chưa có cơ sở

Một số nông dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phản ánh về tình trạng sử dụng quá mức hóa chất trong canh tác cây cao su làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, vấn đề này chưa có cơ sở…

Một số nông dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phản ánh về tình trạng sử dụng quá mức hóa chất trong canh tác cây cao su làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, vấn đề này chưa có cơ sở…


Dân nghi ngờ

 

Ông Nguyễn Sỹ Liễm - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân: Hiện nay, xã Ninh Tân có khoảng 140ha cây cao su do Doanh nghiệp Tư nhân M.L.A có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh ra mua đất, thuê công nhân trồng. Việc ô nhiễm môi trường do dùng quá mức hóa chất chưa nghe nói tới. Chúng tôi chưa thấy ô nhiễm môi trường do hóa chất, nhưng việc vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường rất đáng báo động tại vùng trồng cây cao su.

Tuy không có trong quy hoạch phát triển cây trồng của tỉnh nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ninh Tân và một số xã lân cận đã phát triển mạnh diện tích trồng cây cao su với hàng trăm héc-ta. Trong quá trình canh tác, người dân cho rằng, doanh nghiệp trồng cao su đã sử dụng quá mức hóa chất có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống. Ông N.V.T - nông dân ở thôn Bắc (xã Ninh Tân) cho biết: “Trước khi trồng cao su, người ta đào hố rộng 50cm, sâu 1m, đổ đủ loại thuốc trừ sâu, hóa chất sau đó mới đưa cây vào trồng”. Để diệt cỏ dại, công nhân dùng loại thuốc, thường gọi là thuốc cháy để xịt với liều lượng rất cao, gấp đôi so với lượng thường dùng cho cây mía. Theo ông T., nếu ngộ độc thuốc diệt cỏ có tên Gramoxon thì “hết thuốc chữa”. Việc dùng quá mức hóa chất một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến đất, nguồn nước và môi trường sống của người dân trong khu vực. Khu vực trồng cao su thường xẻ những đường rãnh thoát nước chảy về nơi thấp, lòng suối. Mùa mưa, hóa chất tồn đọng ngấm vào đất, theo dòng nước chảy về khu dân cư sẽ đầu độc môi trường sống...


Cùng tâm trạng lo ngại về tình trạng sử dụng hóa chất quá mức khi trồng cao su, ông L.V.T (thôn Bắc) bức xúc: “Với diện tích hàng trăm héc-ta ở xã Ninh Tân và các xã lân cận, ước tính 1 năm, môi trường trong khu vực phải hứng chịu hơn 10 tấn thuốc diệt cỏ. Môi trường, sức khỏe người dân bị đe dọa, bây giờ chưa thấy nhưng lâu dài có thể để lại hậu quả. Tôi đã nhiều lần có ý kiến trong các cuộc họp giao ban, các buổi tiếp xúc cử tri của xã nhưng không ai quan tâm...”.

1
Tưới nước, hóa chất cho cây cao su tại doanh  nghiệp M.L.A  


Chưa có cơ sở


Ông Đỗ Duy Phê - Phòng Kinh tế thị xã cho biết, việc phát triển canh tác cây cao su gần đây tại xã Ninh Tân và một số xã lân cận như: Ninh Xuân, Ninh Tây... với diện tích xấp xỉ 400ha. Tuy là cây trồng tự phát nhưng phát triển khá nhanh. Việc đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất hoàn toàn theo quy trình, kỹ thuật trồng loại cây này của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng đã trồng cao su ở nhiều nơi. “Hiện nay, việc dùng thuốc diệt cỏ rất phổ biến để chống cỏ dại xâm hại. Liều lượng thuốc diệt cỏ dùng trong trồng cao su có cao hơn cây mía cũng là chuyện bình thường, vì nó còn phụ thuộc vào thảm thực vật, điều kiện thời tiết, mật độ cỏ dại. Nếu nói ô nhiễm thì cần phải lấy mẫu xét nghiệm mới khẳng định được...” - ông Phê nói.

 


Theo ông Bùi Công Khánh - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa, trồng cao su cũng như nhiều loại cây trồng khác có nét đặc thù riêng, nhưng nhìn chung cũng sử dụng các loại hóa chất như: thuốc diệt cỏ, các chất điều hòa sinh trưởng, vitamin, các chất đa lượng, vi lượng... Tùy theo từng thời kỳ có thể phun thuốc kích thích ra rễ, ra lá, phát triển cành, tăng sinh khối, mau tạo mủ... Lượng thuốc diệt cỏ dùng cho cao su thường cao hơn so với các cây trồng khác, thường dùng với liều lượng 0,5ppt (phần ngàn). Các loại thuốc diệt cỏ phần lớn có nguồn gốc từ các chất độc thường gọi là chất da cam như: 2,4 D; 2,4,5 T. Nếu khu vực phun gần khu dân cư hay ven sông, suối có thể gây nguy hiểm tới môi trường sống, nên yêu cầu phải cách xa ít nhất 30 - 50m. Trường hợp cây cao su lớn, người ta phải dùng đến các giàn phun trên cao. Điều này có thể làm phát tán hóa chất đi xa, gây ảnh hưởng môi trường. Vùng có độ dốc lớn, hóa chất có thể đi theo nước mưa nên càng phải cẩn thận hơn. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật an toàn khi phun thuốc thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người phun và môi trường xung quanh.


P.L