12:03, 23/03/2014

Sử dụng hợp lý nước và năng lượng

Nhân ngày Nước thế giới (22-3), phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

Nhân ngày Nước thế giới (22-3), phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về vấn đề này.


- Xin ông cho biết, vì sao ngày Nước thế giới năm nay có chủ đề “Nước và Năng lượng”?


- Trên thế giới hiện có 780 triệu người không được tiếp cận với nguồn nước sạch an toàn, khoảng 3,5 triệu người không được đáp ứng về quyền sử dụng nước và 2,5 tỷ người sử dụng nước không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh. Về năng lượng, 1,3 tỷ người đang sống trong điều kiện không có điện và khoảng 2,6 tỷ người sử dụng nhiên liệu lỏng cho mục đích nấu nướng. Năm 2035, ước tính nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng thêm 1/3 và nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng 70%. Nhu cầu khai thác, sử dụng năng lượng, sử dụng nguồn nước dành cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, trong khi nguồn nước và năng lượng lại có giới hạn. Chính vì vậy, ngày Nước thế giới năm 2014 được Liên hợp quốc chọn với chủ đề “Nước và Năng lượng” nhằm nâng cao nhận thức về mối tương quan chặt chẽ giữa hai yếu tố trên. Thông điệp cũng có ý nghĩa, nguồn nước và năng lượng cùng đáp ứng các mục tiêu giống nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau.


Ngày Nước thế giới năm 2014 tập trung vào nhu cầu về nước của nguồn năng lượng và nhu cầu về nguồn năng lượng của nước. Nếu nguồn nước và năng lượng không được giải quyết cùng với nhau thì việc giải quyết chỉ một vấn đề có thể sẽ làm cho đối tượng kia trở nên mất cân bằng và phá vỡ sự bền vững trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.


- Năm nay, Khánh Hòa hưởng ứng ngày Nước thế giới như thế nào, thưa ông?

ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường


- Năm nay, Sở TN-MT đã chọn thị xã Ninh Hòa là địa điểm tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Nước thế giới năm 2014. Đây cũng là một địa phương trong tỉnh có công trình thủy điện Eakrongru, đại diện sự liên hệ cơ bản cho việc sử dụng nguồn nước và năng lượng theo chủ đề của ngày Nước thế giới năm nay.


- Nước là yếu tố quan trọng cho việc tạo năng lượng thủy điện và nhiều nguồn năng lượng khác. Vậy việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước cho phát triển năng lượng ở Khánh Hòa thế nào, thưa ông?
- Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, diện tích chủ yếu là đồi núi, đồng bằng rất hẹp, chiếm chưa đến 1/10 diện tích toàn tỉnh. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước cho phát triển năng lượng chủ yếu dựa vào hệ thống sông ngòi trên địa bàn. Địa phương có hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, các con sông đều bắt nguồn tại vùng núi phía Tây và chảy ra biển Đông. Vì vậy, việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước cho phát triển năng lượng cần được chú trọng và sử dụng hợp lý cho từng dự án năng lượng. Hiện nay, tỉnh có 2 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, đó là công trình thủy điện Eakrongru - công suất 28 MW tại thị xã Ninh Hòa và thủy điện Sông Giang 2 - công suất 37 MW tại Khánh Vĩnh. Trong đó, thủy điện Sông Giang 2 được đánh giá là một công trình sạch, thân thiện với môi trường, được Ủy ban Chấp hành quốc tế về CDM (Clean Development Mechanism) của Liên hợp quốc phê chuẩn thành dự án CDM, bên mua quyền giảm phát thải là Công ty Vitol S.A (Thụy Sĩ). Hoạt động của công trình theo CDM sẽ giúp giảm phát thải hàng năm khoảng 200 tấn CO2 vào bầu khí quyển và tạo ra một nguồn thu mới, đồng thời góp phần cải thiện môi trường trong tương lai.


Trên cơ sở đó, định hướng của tỉnh trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước cho việc phát triển năng lượng là chú trọng phát triển và đặt yếu tố phát triển bền vững và cải thiện môi trường; đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và mục tiêu xây dựng năng lượng thủy điện song song với phát triển và bảo vệ rừng.


- Ông có thể nói rõ hơn về công tác quản lý tài nguyên nước, cũng như việc khai thác, bảo vệ và sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh?


- Công tác quản lý tài nguyên nước ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; sự đóng góp và phối hợp giải quyết công tác quản lý tài nguyên nước giữa các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã cấp 128 giấy phép về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Bên cạnh đó là các công trình, dự án đánh giá về tài nguyên nước như: Điều tra, đánh giá và lập quy hoạch, phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn TP. Nha Trang; điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tại các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn nước mặt phục vụ lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt. Đồng thời đề xuất các biện pháp khôi phục, xử lý; xây dựng bộ tài liệu về nước dưới đất thông qua thực hiện nhiệm vụ Điều tra các giếng khoan và giếng đào khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để lập danh mục các giếng phải xử lý trám lấp theo quy định. Trong đó, đã đăng ký được 14.765 giếng khoan, giếng đào phục vụ cho các mục đích khác nhau; xác định được tổng số giếng cần xử lý, trám lấp là 2.649 giếng...


Để làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiến hành điều tra, đánh giá lập quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đối với các vùng chưa được điều tra, đánh giá. Năm 2016, thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất đô thị Nha Trang và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đô thị theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm nguồn năng lượng trong hiện tại và tương lai...


- Xin cảm ơn ông!


Phú Lâm (Thực hiện)