Lâu nay, nói đến ô nhiễm môi trường, người ta thường nghĩ đến khu vực đô thị. Nhưng trên thực tế, ở nông thôn, nhất là các khu vực giáp ranh đô thị, tình trạng ô nhiễm đang là một thực trạng đáng báo động…
Lâu nay, nói đến ô nhiễm môi trường, người ta thường nghĩ đến khu vực đô thị. Nhưng trên thực tế, ở nông thôn, nhất là các khu vực giáp ranh đô thị, tình trạng ô nhiễm đang là một thực trạng đáng báo động…
Rác thải nhiều...
Chưa bao giờ lượng rác thải sinh hoạt không được xử lý tại nông thôn lại nhiều như hiện nay. Tình trạng nhiều người dân đổ các loại rác thải (bao ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh...) và vứt xác gia súc, gia cầm chết trực tiếp ra môi trường đang diễn ra phổ biến tại nhiều vùng nông thôn. Trong những lần tiếp xúc cử tri ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, người dân nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa sớm có hướng xử lý tình trạng này. Chỉ cần đi dọc tuyến Quốc lộ 1A, những đoạn đi qua các xã nông thôn như: Vạn Hưng (Vạn Ninh), Suối Cát (Cam Lâm), dễ dàng bắt gặp những bãi rác tự phát do người dân đổ ra. Đây cũng là tình trạng chung thường gặp ở rất nhiều xã nông thôn khác trong tỉnh.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa cho biết: “Do sự phát triển của cuộc sống nên hàng ngày lượng rác thải ở nông thôn thải ra môi trường ngày càng lớn. Trong khi đó, việc quy hoạch chung và quy hoạch về môi trường còn nhiều hạn chế, khó khăn nên để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn là khá nan giải”.
Rác xả ở khu ven biển xã Vạn Hưng. |
Ngoài rác thải sinh hoạt, rác của các cơ sở sản xuất nhỏ nằm xen giữa các khu nông thôn cũng rất lớn. Đó là chưa kể nhiều loại rác, xà bần từ một số khu đô thị lân cận đổ sang các vùng nông thôn giáp ranh. Ở xã Phước Đồng, (Nha Trang), nhiều khu vực luôn đứng trước nguy cơ ô nhiễm do các nhà máy chế biến thủy sản và các trang trại chăn nuôi xả chất thải ra ngoài. Tại những khu đất trống nằm trong quy hoạch, hàng ngày có cả chục xe tải đem xà bần từ trung tâm thành phố về đây đổ. Những nguồn rác này không được xử lý kịp thời sẽ làm cho môi trường ở khu vực bị ô nhiễm.
Nguy cơ ô nhiễm từ nước thải, phân bón
Những năm gần đây, ở một số địa phương, nhiều làng nghề truyền thống được xây dựng, phát triển cũng đang có nguy cơ gây hại đến môi trường. Các làng nghề đều nằm ngay trong khu dân cư nông thôn, lại chưa có biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải... nên đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng cho cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy, khu công nghiệp ở quá gần khu dân cư nông thôn hoặc ở các vùng đầu nguồn nước, đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường làm cho nguồn nước ngầm cũng như nước bề mặt bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này thể hiện rõ nhất ở huyện Cam Lâm, nơi có nhiều cơ sở chế biến bột mì nằm trong khu dân cư.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: “Trên địa bàn toàn tỉnh, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn đang ở mức đáng quan tâm. Trong đó, việc ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật mà người dân sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp là đáng báo động hơn cả. Khảo sát tại một số địa phương, tình trạng người dân sau khi bơm thuốc trừ sâu, diệt cỏ đã bỏ lại môi trường hàng loạt bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật... khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước càng trở nên trầm trọng”.
Nguyên nhân nào?
Trước hết, đó là ý thức của người dân và các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa cao. Mọi người đều thoải mái vứt rác bất cứ đâu có thể. Chẳng hạn như ở kênh dẫn nước của hồ chứa nước Cam Ranh - nơi phục vụ nguồn nước cho nhà máy nước Cô Bắc (xã Cam Hiệp Bắc) cũng bị người dân vô tư xả rác, vứt đầy vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Một số doanh nghiệp vì lợi ích riêng nên không quan tâm đầu tư xử lý rác thải mà cứ thải trực tiếp ra môi trường. Một nguyên nhân khác là việc quy hoạch, xử lý rác thải ở nông thôn chưa theo kịp sự phát triển của đời sống. Thiếu bãi rác, thiếu các dịch vụ vệ sinh môi trường nên người dân tự “quy hoạch” bãi rác ngay bên lề đường, đầu cầu, bụi rậm, kênh mương, chợ...
Ông Lê Văn Hùng đánh giá: “Trong quy hoạch đều có nơi chứa rác thải, song ở nông thôn quy hoạch đó chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Điều này khiến cho bài toán về môi trường càng trở nên nan giải”.
Chính vì thế, việc xử lý cũng chỉ mang tính tạm thời. Rác không phân loại nên việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương đã cố gắng gom rác, song cũng chỉ đem ra xa khu vực dân cư rồi... đốt. Về lâu dài, đây không phải là cách làm phù hợp vì nó chưa giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, nhiều địa phương đang triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới và môi trường là tiêu chí rất khó thực hiện. Điều này cho thấy đã đến lúc, xã hội cần có sự quan tâm nhiều hơn cho vấn đề này, nhất là ở nông thôn.
Đình Lâm