Hà Lan nằm dọc bờ biển Bắc, giáp Đại Tây Dương. Vùng Đông Bắc Hà Lan là phần đất liền của đới bờ nước này, chiếm 55% diện tích cả nước, nằm dưới mức triều cao trung bình. Phần biển đới bờ Hà Lan gồm hầu hết thềm lục địa nước này trong biển Bắc đang bị tác động bởi nước, trầm tích và sinh vật từ các con sông.
Hà Lan nằm dọc bờ biển Bắc, giáp Đại Tây Dương. Vùng Đông Bắc Hà Lan là phần đất liền của đới bờ nước này, chiếm 55% diện tích cả nước, nằm dưới mức triều cao trung bình. Phần biển đới bờ Hà Lan gồm hầu hết thềm lục địa nước này trong biển Bắc đang bị tác động bởi nước, trầm tích và sinh vật từ các con sông.
Hà Lan được hình thành bởi sự tương tác giữa các con sông: Rhine, Meuse, Sheldt và biển Bắc. Sự tương tác trong suốt 10.000 năm dần định hình đất nước này trong kỷ Holocene. Ngày nay dân cư ven biển là yếu tố thứ 3 tác động mạnh lên đới bờ Hà Lan. Áp lực từ biển và đất liền ngày càng tăng và Hà Lan là vùng đất thấp nên luôn có nguy cơ ngập lụt. Mực nước biển dâng cao theo dự đoán khoảng 60cm sau mỗi thế kỷ, cường độ và tần suất bão cũng tăng lên do biến đổi khí hậu. Sự lún sống của các bãi bồi nhân tạo (do nén chặt) dẫn đến gia tăng tốc độ xói lở bờ biển. Nhu cầu ngày càng tăng về không gian đới bờ do phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, các khu nghỉ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên dẫn đến những xung đột sâu sắc về quyền lợi. Đô thị hóa cùng với việc bê tông hóa gia tăng tác động tiêu cực đến khả năng thích ứng và phục hồi của tự nhiên.
Mặc dù thiên nhiên khắc nghiệt nhưng các vùng đất thấp ven biển Hà Lan vẫn được con người khai thác, sử dụng trong nhiều thiên niên kỷ qua. Cách tiếp cận phổ biến trong việc phát triển các vùng đất ngập nước ven biển là do các tu viện đưa ra và thực hiện cách đây 1.000 năm. Các vùng rộng lớn của các bãi triều bồi tụ được khai hoang. Đê bao được xây dựng quanh các bãi bồi nhằm ngăn ngừa ngập lụt. Bằng cách này, các bãi bồi đất lấn biển có đê bao kín được hình thành. Các mương cắt ngang vùng đất lấn biển có đê bao quanh và các cống thoát nước đơn giản được xây dựng để thoát nước ngập trong vùng ra biển. Cách thoát nước này nhờ vào dòng trọng lực khi triều xuống. Trong các thế kỷ XV-XVI, hồ và đầm lầy ở vùng đất thấp phía Tây Hà Lan lấn ra biển nhờ sử dụng cối xay gió. Một cối xay gió có khả năng đưa một khối lượng nước tương đối lớn lên độ cao 1,5m từ các mương trong vùng đất lấn biển tới kênh thoát cao hơn để thoát ra biển. Cối xay gió được sử dụng trong suốt quá trình khai hoang đầm lầy và sau khi cải tạo vùng đất mới trên biển.
Cảng biển Rotterdam (Hà Lan). |
Việc thành lập các ban quản lý nước/đất lấn biển cấp tiểu quốc gia, cấp vùng hình thành cách đây 8 thế kỷ là dấu hiệu của nhận thức chung chống “giặc nước”. Ban quản lý nước/đất lấn biển với đại diện của các cộng đồng địa phương, điều hành theo luật định, có quyền cưỡng chế thực hiện các biện pháp đóng góp của dân cư trong vùng đất lấn biển. Hiện tại, Hà Lan có 55 ban quản lý nước, trong đó 10 ban liên quan bảo vệ vùng ven biển.
Các chính sách bảo vệ và phát triển đới bờ của Hà Lan ngày càng có sự chuyển đổi quan trọng. Văn kiện Chính sách bờ biển năm 1990 “Quản lý đường bờ” do Bộ Giao thông, Công chính và Quản lý nước ban hành cung cấp tổng quan về các quá trình ven bờ, tập trung vào xu thế xói lở bờ biển. Quan trắc ven bờ chỉ ra hàng năm lượng cát thiếu hụt dọc bờ biển Hà Lan khoảng 7-9 triệu m3 trên toàn bộ đường bờ. Đồng thời, nghiên cứu các vấn đề khác như: ảnh hưởng của bão, quan trắc quá trình ven bờ, cân bằng trầm tích và ngăn chặn xói lở. Từ đó, đề xuất kế hoạch nuôi bãi bằng cát trên diện rộng. Quốc hội đã thảo luận và quyết định cách tốt nhất bảo vệ bờ biển Hà Lan khỏi xói lở là nuôi bãi bằng cát, giao cho Bộ Giao thông, Công chính và Quản lý nước thực hiện.
Hội nghị thế giới về Đới bờ năm 1993 do UN-IPCC (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) bảo trợ với sự tham gia của 6 bộ của Hà Lan đóng góp xây dựng phương pháp chung về quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB). Văn kiện Chính sách đới bờ năm 1995 - “Ổn định bờ biển 1995” đánh giá hiệu quả kế hoạch nuôi bãi bằng cát. Đánh giá cho thấy sự mất cát có hệ thống thực sự chấm dứt nhờ việc nuôi các bãi nông gần bờ bằng cát (dưới mực nước biển trung bình hơn 8m). Ngoài ra, ảnh hưởng của các chức năng sử dụng khác như định cư, nghỉ dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến khả năng phục hồi đới bờ cũng được tính toán.
Văn kiện Chính sách đới bờ 2000 “Truyền thống, xu thế và tương lai” đã khẳng định tính hiệu quả của việc nuôi bãi bằng cát nhằm chấm dứt hiện tượng bờ thoái và duy trì các đụn cát quan trọng. 5 năm qua, nhiều sáng kiến về chính sách QLTHĐB được xây dựng ở Hà Lan bởi các bộ khác nhau liên quan tới đới bờ. Chương trình hành động của chính sách đối với đới bờ có tên “Hướng tới Chính sách QLTHĐB” 2002 là một nỗ lực hợp tác sử dụng các đặc tính của đới bờ như khả năng phục hồi, tính liên kết và độ thoáng của biển, sự an toàn của vùng nội địa, sự có mặt của vùng nền cát ven biển nhằm đảm bảo chính sách quản lý đới bờ thực hiện có hiệu quả.
Rotterdam - thành phố cổ 600 năm của Hà Lan được xây dựng trên nửa con đập nằm ở hạ lưu sông Rotte nhỏ. Đây là một thành phố cảng lớn, nối kết mạng lưới giao thông thủy huyết mạch và bận rộn nhất từ biển Bắc và Đại Tây Dương. Tuy nhiên, một số vùng đất lấn biển phía Đông Rotterdam nằm dưới mực nước biển trung bình 6m, luôn có nguy cơ ngập lụt. Các mối đe dọa tới chức năng đới bờ của Hà Lan và Rotterdam được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế. Năm 1993, Bộ Quy hoạch nhà ở, Sức khỏe và Môi trường Hà Lan triển khai chương trình ROM - Rijnmond (vùng Rotterdam mở rộng) dài hạn và toàn diện về môi trường dành cho khu vực hoạt động phức tạp tại Hà Lan. Mục tiêu của thỏa ước là không ngừng nâng cao hiệu suất cảng Rotterdam, tăng giá trị lợi nhuận, giảm sử dụng tài nguyên thô và năng lượng, giảm ô nhiễm, cung cấp không gian làm việc, giải trí và bảo tồn thiên nhiên kết hợp giảm tắc nghẽn giao thông. Các bên tham gia ký thỏa ước sử dụng nguồn ngân sách 7 tỷ Euro thực hiện 28 dự án trong vòng 17 năm (1993-2010). Kết quả của những nỗ lực mang tính tổng hợp của 3 lĩnh vực quan tâm: nuôi bờ bãi bằng cát (bảo vệ bờ biển); nâng cao chất lượng môi trường và khôi phục cải tạo đất đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việc nuôi bãi bằng cát đã giải quyết nạn xói lở bờ biển, cải thiện chất lượng trầm tích rõ rệt: nồng độ chất ô nhiễm bị hấp thụ bởi trầm tích gần bờ (Cd và PCBs đại diện 150 chất được quan trắc thường xuyên trong không khí, các con sông và vùng ven bờ). Dự án khai hoang và cải tạo đất mở rộng vùng cảng Maasvlakte trên 1.000ha và trên 750ha diện tích xanh, khôi phục lưu vực cảng Rotterdam mở rộng từng bị sử dụng không tối ưu. Cách tiếp cận tổng hợp với sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền cấp thành phố, tỉnh, quốc gia và quốc tế đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc giảm thiểu các đe dọa đối với bờ biển và nhiều lợi ích khác.
P.L