Nhiều hộ dân tại thôn Phú Hội 3 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt gây ra. Doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục nhưng kết quả chưa như mong muốn...
Nhiều hộ dân tại thôn Phú Hội 3 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt gây ra. Doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục nhưng kết quả chưa như mong muốn...
Ô nhiễm
Ông Nguyễn Phùng Hiếu - Trưởng thôn Phú Hội 3 cho biết, mới đây thôn đã tiếp nhận nhiều đơn phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy Chế biến hạt điều Sao Việt gây ra làm nước giếng vẩn đục, không dùng được, mùi khó chịu khi hít khói đốt lò... Cuối năm 2012, thôn cũng đã nhận những đơn kiện như vậy và đã báo cáo xã.
Theo ông Nguyễn Thâm - người dân sống gần khu vực nhà máy cho biết, trước đây khi chưa có nhà máy, khu vực này người dân vẫn dùng nước giếng phục vụ ăn uống, tắm giặt, không hề có mùi hôi hay ô nhiễm. Nhưng từ khi nhà máy đi vào hoạt động, nhiều giếng trong vùng bị ô nhiễm, bốc mùi, nước đục như nước cơm, không nhà nào dám dùng, chỉ để tưới cây... Chưa hết, nhà máy còn xả khói bất kể giờ giấc, mùi hắc bay vào nhà rất khó chịu khiến nhiều người bị viêm họng, viêm xoang...
Hồ xử lý nước thải của doanh nghiệp được bọc lót bạt HDPE. |
Tiếp cận một giếng nước trong vùng gần nhà máy, từ trên nhìn xuống, chúng tôi thấy màu nước đục như nước vo gạo; xách gàu nước lên ngửi thì có mùi hôi nhẹ. Theo ông Hiếu, khu vực dân cư bị ô nhiễm có khoảng 20 - 25 hộ, nằm trong bán kính 100m từ tường rào nhà máy. Người dân cho rằng, ô nhiễm nguồn nước là do doanh nghiệp lắp đặt hệ thống bể lắng, lọc vi sinh vật không bảo đảm, bạt lót đáy bị rách dẫn tới nước thải ngấm ra ngoài gây hư giếng?
Cần giải quyết triệt để
Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt là chi nhánh của một công ty lớn chuyên chế biến hạt điều tại TP. Hồ Chí Minh. Nhà máy đi vào hoạt động năm 2010, công suất 30 tấn nguyên liệu/ngày (7 tấn thành phẩm/ngày); giải quyết việc làm cho 400 - 500 lao động trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Ông Lê Mộng Điệp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Kết quả phân tích mẫu trước đây tốt không có nghĩa là hiện nay tốt. Các thông số môi trường thường xuyên biến động nên cần phải lấy mẫu giám sát để tìm kết quả có ô nhiễm hay không? Sở sẽ phối hợp với huyện thực hiện vấn đề này. |
Ông Lê Đình Nhật Tân - Phó Giám đốc Công ty cho biết, Công ty rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và được các cơ quan chức năng tỉnh, huyện thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra. Công ty thực hiện đầy đủ các yêu cầu về môi trường như: Báo cáo tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và được UBND tỉnh cấp phép cho xả thải theo quy định. Các vấn đề người dân nêu trước đây đã được Công ty khắc phục. Hiện Công ty không còn sử dụng vỏ hạt điều để đốt mà chuyển sang đốt bằng củi nên hạn chế hiện tượng khói gây mùi khó chịu. Không khí trước khi thoát ra khỏi ống khói được xử lý bằng ozon (lò chao) và ống khói được đặt cao hơn 30m so với nóc nhà máy. Hệ thống xử lý nước thải gồm bể yếm khí sử dụng công nghệ vi sinh làm sạch môi trường trước khi dẫn ra ao chứa. Ao chứa có nhiệm vụ lắng lọc gồm 2 ao: 1 lót đáy bằng bạt chịu nhiệt HDPE và 1 ao chứa lục bình, nuôi cá để theo dõi khả năng sống sót của sinh vật sau khi đã xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường. Việc người dân phản ánh nước giếng nhiễm bẩn có thể là do nhiễm phèn từ trước. Công ty đã kiểm tra một số giếng nước bị ô nhiễm và hỗ trợ đấu nối đường ống cung cấp nước cho 9 hộ từ nguồn nước đang sử dụng của nhà máy do Công ty Cổ phần Đô thị Vạn Ninh cung cấp.
Ông Phạm Trần Văn Triều - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng nhìn nhận, thời gian qua, Công ty hợp tác rất tốt với chính quyền địa phương trong vấn đề bảo vệ môi trường. Trước đây, Công ty chưa có hồ chứa nước thải, địa phương tạo điều kiện cho Công ty mua đất ở khu vực xung quanh nhà máy để xây hệ thống xử lý nước thải. Công ty luôn khắc phục tốt các vấn đề mà cơ quan chức năng yêu cầu. Tuy nhiên hiện nay lại có đơn mới của người dân, xã sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ngành để giải quyết.
Theo ông Lê Văn Khải - Phó phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh, cuối năm 2012, nhận được đơn khiếu kiện của người dân, Phòng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu phân tích, kết quả các mẫu nước thải, nước giếng, không khí đều nằm trong chỉ số giới hạn cho phép. Tháng 8-2013, Phòng tiếp tục kiểm tra, nhận thấy tình hình môi trường có chuyển biến tốt hơn. Hiện Phòng chưa nhận thêm đơn thư nào của người dân. Nếu có đơn thư phản ánh, Phòng sẽ báo cáo huyện và phối hợp với Sở để quan trắc lấy mẫu kiểm tra...
Chế biến hạt điều là ngành công nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm gây ô nhiễm môi trường do chất dầu trong hạt điều nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu. Ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các biện pháp xử lý môi trường để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm hiện nay, bảo đảm sức khỏe và sinh hoạt cho người dân.
V.L