Khói, bụi từ một vụ nổ hạt nhân có thể khiến nhiệt độ nhiều vùng trên trái đất giảm tới 2 độ C.
Khói, bụi từ một vụ nổ hạt nhân có thể khiến nhiệt độ nhiều vùng trên trái đất giảm tới 2 độ C.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây khiến những người bi quan lo ngại Mỹ và Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân để tấn công đối phương. Từ khi vũ khí nguyên tử xuất hiện trên trái đất, nỗi lo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân chưa bao giờ biến mất. Mặc dù nhân loại từng chứng kiến hậu quả thảm khốc của vũ khí hạt nhân tại Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, chúng ta vẫn chưa thể hình dung hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện (các bên dùng vũ khí hạt nhân để tấn công lẫn nhau) đối với nền văn minh.
Alan Robock, phó giám đốc Trung tâm Dự báo Môi trường (CEP) thuộc Đại học Rutgers tại Mỹ và cũng là giáo sư bộ môn khoa học khí quyển, và các đồng nghiệp xây dựng mô hình điện toán để dự báo những hiện tượng khí hậu bất thường có thể xảy ra khi kịch bản chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan thành hiện thực, trang web của Đại học Rutgers đưa tin đưa tin.
Nhiệt độ trung bình tại nhiều khu vực trên trái đất có thể giảm tới 2 độ C sau những vụ nổ hạt nhân. |
Theo tính toán của tiến sĩ David Albright, một chuyên gia của Viện Khoa học và An toàn Quốc tế và ông Robert S. Norris, một chuyên gia của Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên Mỹ, Ấn Độ có khoảng 50 - 60 vũ khí hạt nhân, còn Pakistan có chừng 60 vũ khí. Các cuộc thử vũ khí của hai nước này chứng tỏ rằng sức công phá từ mỗi vũ khí tương đương 15.000 tấn TNT (bằng quả bom nguyên tử “Little Boy” mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản tháng 8/1945).
Các mô hình của Robock cho thấy, giả sử chiến tranh nổ ra, mỗi bên dùng 50 vũ khí hạt nhân dội vào thành phố đối phương thì chắc chắn những vụ nổ sẽ sinh ra một lượng áp suất, bức xạ nhiệt, bức xạ ion và bụi phóng xạ khổng lồ. Lượng khói bụi thoát ra từ những vụ nổ ấy có thể làm nhiệt độ ở phần lớn các khu vực thuộc Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á giảm khoảng 2 độ C. Khói đen từ các đám cháy sẽ bay lên tầng khí quyển cao, hấp thụ tia sáng mặt trời, dẫn đến tình trạng tối tăm, nhiệt độ và lượng mưa giảm. Thậm chí khói có thể thu hẹp tầng ozone - một hậu quả mà khí quyển sẽ phải mất từ 10 tới 100 năm để khắc phục.
Ngoài những tổn hại về môi trường, chiến tranh hạt nhân còn trực tiếp gây ra những thảm họa đối với tính mạng và sức khỏe con người. Trong một nghiên cứu của trường Đại học Colorado (Mỹ), các nhà khoa học đã phân tích mức độ ảnh hưởng đến con người dựa trên nguồn dữ liệu về số lượng vũ khí hạt nhân trên địa cầu và mật độ dân cư tại các thành phố lớn trên thế giới. Họ chỉ tập trung vào ảnh hưởng của những đám khói đen thoát ra từ một vụ nổ hạt nhân kèm theo những cơn bão lửa. Kết quả cho thấy, với một xung đột hạt nhân khu vực, mỗi quốc gia liên quan có thể mất khoảng 2,6 triệu đến 16,7 triệu sinh mạng.
Theo VNE