02:12, 20/12/2012

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Còn nhiều khó khăn

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng vẫn còn là thách thức đối với chính quyền và người dân, bởi thiếu kinh phí và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) vẫn còn là thách thức đối với chính quyền và người dân, bởi thiếu kinh phí và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, do tác động của BĐKH, Khánh Hòa có lượng mưa thất thường, nhiệt độ cũng tăng cao hơn; tần suất và cường độ của bão, lũ đột biến về số lượng và mức độ thiệt hại; dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng ngày càng tăng; tình trạng hạn hán, nhiễm mặn, thiếu nước ngọt ngày càng gay gắt, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương… Ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ cho biết, trong thập niên qua, nhiệt độ trung bình hàng năm tại Khánh Hòa tăng hơn 2 thập niên trước 0,30C. 3 thập niên trở lại đây, tổng lượng mưa trung bình hàng năm đều tăng, nhưng không đồng đều; chế độ dòng chảy có xu hướng tăng, đỉnh lũ và tần suất lũ đều tăng; dòng chảy tràn trên bề mặt lớn, làm bào mòn bề mặt đất nghiêm trọng... 

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh, 10 năm gần đây, Khánh Hòa đã hứng chịu nhiều thiên tai và thiệt hại nghiêm trọng. Từ năm 1999 - 2009, toàn tỉnh có 83 người chết, thiệt hại kinh tế khoảng 450 tỷ đồng.

Nhiều nỗ lực nhưng chưa hết khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó, đề ra các mục tiêu nhằm đánh giá tác động của BĐKH và NBD ảnh hưởng đến tài nguyên nước, cơ sở hạ tầng ven biển, đa dạng sinh học vùng ven bờ. Tỉnh cũng thực hiện thí điểm Dự án cộng đồng ứng phó với BĐKH và NBD quy mô cấp xã vùng ven biển; nâng cao năng lực ứng phó của tỉnh đối với BĐKH và NBD. Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế tác động của BĐKH như: hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án tiêu tốn năng lượng; phát thải khí nhà kính; kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại; khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch, phát triển năng lượng sạch; phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng các công trình như: kè, hồ chứa nước, xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt...

Theo ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn Sở Tài nguyên và Môi trường, BĐKH là vấn đề rất lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực. Trong khi đó, chuyên gia về lĩnh vực này còn yếu và thiếu. Cả nước mới đào tạo khóa thạc sĩ đầu tiên về BĐKH tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ít nhất 2 năm nữa, mới có chuyên gia cao học về vấn đề này. Các can thiệp, thích ứng với BĐKH cũng cần nguồn vốn rất lớn. Ví dụ, chỉ riêng kinh phí xây dựng kè biển Vĩnh Nguyên (Nha Trang) cũng lên tới hơn 200 tỷ đồng. Tỉnh đã có 6 đề xuất với Trung ương với tổng vốn hàng ngàn tỷ đồng, bao gồm: Dự án kè Vĩnh Nguyên, kè hạ lưu cầu Bình Tân (Nha Trang); kè bờ sông Tô Hạp, cầu Ko Róa (Khánh Sơn); cầu Thác Ngựa (Khánh Vĩnh); dự án nâng cao năng lực cộng đồng. Tuy nhiên, mới có kè Vĩnh Nguyên được phê duyệt, hỗ trợ đầu tư. 

Ông Mai Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác ứng phó với BĐKH đang gặp nhiều khó khăn không chỉ ở cấp tỉnh mà cả Trung ương. Hiện nay, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này rất thiếu và không được đào tạo chuyên ngành.

H.A

Ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn Sở Tài nguyên và Môi trường: Giai đoạn 2011 - 2013, Trung ương và tỉnh tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến BĐKH, xây dựng các dự án ưu tiên, đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH.