“Thiếu trung thực trong kinh doanh” là lý do Tập đoàn dầu khí BP (Anh) và các công ty con của BP bị cấm ký hợp đồng mới với Chính phủ Mỹ.
“Thiếu trung thực trong kinh doanh” là lý do Tập đoàn dầu khí BP (Anh) và các công ty con của BP bị cấm ký hợp đồng mới với Chính phủ Mỹ.
Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon trên vịnh Mexico năm 2010 |
Reuters cho biết theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), BP và các công ty con chỉ được tham gia các dự án của Chính phủ Mỹ trở lại nếu chứng minh khả năng đáp ứng quy định của chính phủ liên bang. Chính phủ Mỹ đã đấu giá quyền khai thác các lô dầu khí mới trên vịnh Mexico trong ngày 29-11 mà không có sự tham gia của BP.
Lệnh cấm không ảnh hưởng đến những hợp đồng hiện tại giữa Mỹ và BP. Từ sau thảm họa tràn dầu năm 2010, Chính phủ Mỹ trao cho BP hơn 50 vùng khai thác mới ở vịnh Mexico. Trong tháng 9, các chi nhánh của BP thắng hai hợp đồng thầu cung cấp nhiêu liệu cho quân đội Mỹ trị giá 1,37 tỉ USD. Lệnh cấm mới của EPA có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng sản xuất của BP ở vịnh Mexico, khu vực mà BP là nhà đầu tư lớn nhất.
BP đầu tư hơn 52 tỉ USD vào Mỹ trong năm năm qua, nhiều hơn bất kỳ công ty dầu khí nào và nhiều nhất trong các thị trường nước ngoài của BP và hiện là nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo AFP, lệnh cấm gây sức ép lên lãnh đạo BP về việc giải quyết các vụ kiện liên quan đến tai nạn ở giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010. Nếu tòa án tuyên BP hoạt động bất cẩn dẫn đến tai nạn trên thì số tiền mà BP phải nộp phạt lên tới 20 tỉ USD. Trước đó, ngày 15-11, BP đã ký vào biên bản thừa nhận sai sót trong cách xử lý thảm họa dầu tràn ở vịnh Mexico và nộp phạt mức kỷ lục 4,5 tỉ USD.
Đề cập đến lệnh “cấm cửa” mới của Mỹ đối với BP, thượng nghị sĩ Ed Markey thuộc Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên Quốc hội Mỹ nhận xét: “Khi một người lái xe bất cẩn gây ra tai nạn thì họ bị tước bằng lái. BP phải trả giá vì tai nạn mà họ gây ra”.
Theo báo tuổi trẻ