Vừa qua, nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Gò Sạn khu vực Hòn Ngang (trên đường vào Nghĩa trang Gò Sạn) thuộc thị trấn Diên Khánh.
Vừa qua, nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Gò Sạn khu vực Hòn Ngang (trên đường vào Nghĩa trang Gò Sạn) thuộc thị trấn Diên Khánh. Theo phản ánh, lượng rác tại đây hiện đã quá tải. Cứ đến mùa mưa, rác thải tràn qua đường, gây trở ngại trong việc đi lại; người dân 2 xã Diên Sơn, Diên Lâm phải dùng máy ủi để thông đường. Nếu tình trạng này tiếp diễn, vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sông Cái và nguồn nước ngầm rất có thể xảy ra.
Chúng tôi nhận thấy bãi rác này phải gọi chính xác là đồi rác. Ngoài mùi hôi nồng nặc, ruồi nhặng từ bãi rác lộ thiên cao ngất này cũng dày đặc. Nhà chị Huệ (xã Diên Lâm) chỉ cách bãi rác khoảng 15m. Chị Huệ cho biết, 10 năm sống tại đây, gia đình chị buộc phải quen với mùi hôi của bãi rác. Còn đứa con gái 9 tuổi, vợ chồng chị phải gửi bên nội (ở xã Diên Sơn) chăm sóc vì sợ môi trường ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe của cháu. Mùa nắng cũng như mùa mưa, nhà chị Huệ lúc nào cũng phải đóng kín cửa để tránh bớt mùi hôi và ruồi nhặng bay vào. Những ngày mưa, đường lầy lội, nhớp nháp, rất khó đi lại. Vợ chồng chị Huệ nuôi cá trê lai, rô phi, tràu..., nhưng mỗi lần trời mưa, nước rác thải chảy xuống hồ làm cá chết hàng loạt. Để có nước sạch sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng chị phải thay phiên nhau chở nước từ xã Diên Sơn về nấu ăn.
Bãi rác Hòn Ngang hiện nay đã quá tải. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Lĩnh - Giám đốc Ban Quản lý Các công trình công cộng và Môi trường đô thị huyện Diên Khánh thừa nhận: “Người dân phản ánh tình trạng quá tải ở bãi rác trên là đúng. Bãi rác Gò Sạn thuộc thị trấn Diên Khánh đã tồn tại hơn 20 năm nay. Rác được đổ ở đây nhưng không phân hủy kịp, nên bị biến thành đồi rác là chuyện đương nhiên. Trước tình hình trên, vừa qua, UBND huyện Diên Khánh đã tạm đóng cửa bãi rác và đang quy hoạch bãi rác mới với diện tích khoảng 2ha tại xã Diên Lâm, kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Bãi rác mới hiện đang xây dựng hệ thống mương thoát nước, các hố ga nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh đó, đối với bãi rác này, đơn vị cũng sẽ triển khai các giải pháp tình thế như sử dụng các chế phẩm sinh học chống phát tán mùi, chống ruồi nhặng”. Ông Lĩnh cho biết, tuy đơn vị ông không xác định được mức độ ô nhiễm nhưng có thể khẳng định, khả năng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người dân ở khu vực xung quanh là rất thấp, vì nước thải từ bãi rác chảy xuống các hố lọc, thẩm thấu qua đất, ra ruộng, qua đường rồi mới xuống sông (khoảng cách ước hơn 1km), trong khi nhà dân sống cũng khá xa khu vực này.
Vào mùa mưa, tại khu vực bãi rác Hòn Ngang xuất hiện những vũng nước đen ngòm. |
Huyện Diên Khánh có 12 xã và 1 thị trấn/19 xã tập kết rác thải tại bãi rác Hòn Ngang. Lượng rác thải bình quân tại bãi rác cũ vào thời điểm này khoảng 40 tấn/ngày, 15.000 tấn/năm. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, khi trời mưa, rác thải sẽ trôi xuống và làm lấp mương. Về vấn đề này, ông Lĩnh cho biết, toàn bộ rác cũ đã được đầm nén, do đó, khả năng trôi rác là không có; còn rác của bãi rác mới sẽ không tránh khỏi trôi xuống mương, cống. Tuy nhiên, vào những ngày mưa, đơn vị đều phân công người trực vớt rác để lưu thông nước; chỉ có cách khắc phục như vậy mới giảm thiểu việc tắc đường nước chảy, còn cuối cửa cống cuối cùng cũng đã có lưới B40 ngăn rác.
Ông Lê Xuân Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết: “Việc xử lý rác theo hình thức chôn lấp tại bãi rác Gò Sạn khu vực Hòn Ngang như hiện nay là không tránh khỏi ô nhiễm môi trường. Do đó, trong quy hoạch lâu dài, huyện Diên Khánh cũng đang kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới tại 2 điểm: điểm thứ nhất cách bãi rác Gò Sạn khu vực Hòn Ngang hơn 2km, diện tích khoảng 12ha và điểm thứ hai trong xã Suối Tiên, diện tích 20ha”.
T.D - M.P