Sau khi Chỉ thị số 23, ngày 15-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh được ban hành, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ. Vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23 trong giai đoạn tới.
Vẫn còn những tồn tại, hạn chế
Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 23, đến nay, hoạt động quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, công tác phối hợp quản lý nhà nước về khoáng sản đã có nhiều chuyển biến; công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng được các đơn vị quan tâm. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã tạo được nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; giải quyết được việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 6 tháng đầu năm 2024, kết quả thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nộp ngân sách hơn 115,4 tỷ đồng.
Mỏ đá núi Sầm (thị xã Ninh Hòa). |
Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh cấp mới 2 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án có mục tiêu đầu tư liên quan đến lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, gồm: Dự án Khai thác đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Globe làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ Cát trắng Thủy Triều do Công ty TNHH Một thành viên Cát Cam Ranh Fico làm chủ đầu tư. UBND tỉnh phê duyệt 1 đề án đóng cửa mỏ khoáng sản là mỏ đá núi Sầm của Công ty TNHH Xây lắp số 1; thẩm định 6 hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã được cấp phép khai thác phục vụ thi công công trình đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Nhiều trường hợp đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản chưa đi vào hoạt động; cơ quan Thuế chưa có đầy đủ căn cứ để xác định đúng giữa sản lượng tài nguyên khoáng sản tổ chức, cá nhân thực tế khai thác và sản lượng tổ chức, cá nhân đã kê khai thuế nhưng không có chức năng kiểm tra, xử phạt; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra ở một số địa phương; công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện còn chậm tiến độ do đang rà soát hoàn chỉnh số liệu, dữ liệu bản đồ trong quy hoạch tỉnh.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23
Để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23 trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định và các văn bản có liên quan thuộc thẩm quyền của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Trung ương, thực tiễn địa phương; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự kiến hoàn thành trước ngày 20-12; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí, mua bán hóa đơn trái phép; kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường…
Một khu vực khai thác khoáng sản ở huyện Diên Khánh. |
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân; thường xuyên thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất để phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu sử dụng công nghệ hiện đại trong giám sát và quản lý khai thác khoáng sản; kịp thời chấn chỉnh, phê bình, xử lý theo quy định đối với các tổ chức, tập thể, công chức, viên chức và người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không hết trách nhiệm theo nhiệm vụ phân công, để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép trên địa bàn đơn vị quản lý...
UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh khoanh định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định trong tháng 12-2024; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu bổ sung kế hoạch, hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường năm 2024 trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2024 đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu khoáng sản tỉnh Khánh Hòa…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp còn hiệu lực; trong đó có 14 giấy phép khai thác đá granite, 7 giấy phép khai thác nước khoáng, 1 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng. UBND tỉnh đã cấp 63 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 20 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản để cung cấp cho các công trình đường bộ cao tốc.
CHÍ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin