20:25, 04/06/2024

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6)
Hướng đến môi trường xanh bền vững

THÁI THỊNH (Thực hiện)

Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định việc xây dựng và phát triển phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT) và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Trao đổi về công tác BVMT, cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của tỉnh thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

- Những năm qua, tỉnh đã chủ động ban hành các quy định về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 09 đã đề ra. 

Năm 2023, việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường của tỉnh đạt một số kết quả khá quan trọng: Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đạt khoảng 90%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 95%; tỷ lệ thu gom chất thải nguy hại 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7%. Các chỉ tiêu về môi trường cũng đạt được kết quả tốt. 

Để khắc phục phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, tỉnh đã yêu cầu các cơ sở có nguồn phát sinh chất thải lớn đều lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục để truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát và phòng ngừa sự cố môi trường xảy ra; triển khai thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang. Nhờ đó, những năm qua, tỉnh chưa xảy ra sự cố môi trường.

Các bạn trẻ trồng rừng ngập mặn ven vịnh Nha Trang.

Đứng trước tình trạng suy giảm san hô tại Hòn Mun và vịnh Nha Trang, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với các nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang; tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang; tiếp tục thực hiện phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, số lượng giống loài thủy sản được thả hàng năm trung bình 1 triệu con giống (cá chim, cá hồng, tôm sú giống, ốc hương…) tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Nha Phu. 

Năm 2023, tỉnh đã kiểm tra 48 cơ sở, trong đó xử lý 14 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Hàng năm, UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao ý thức về BVMT, nâng cao chất lượng môi trường.

- Môi trường trên địa bàn tỉnh đang đối diện với những khó khăn, thách thức nào, thưa bà?

- Việc phát triển kinh tế nhanh chóng đã góp phần đem lại nguồn ngân sách cho tỉnh, song cũng tạo ra những áp lực, tác động nhất định đến môi trường. Chẳng hạn, việc phát triển các khu đô thị, khu dân cư, các ngành công nghiệp, dịch vụ, y tế... phát sinh khối lượng chất thải lớn; đặc biệt khối lượng chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng hiện nay tỉnh vẫn chưa có quy hoạch bãi chứa. Công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp nên gây tiêu tốn quỹ đất, tác động xấu đến môi trường; công tác phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa được triển khai rộng rãi, dẫn đến lượng rác thải chôn lấp lớn và lãng phí nguồn rác thải có thể tái sử dụng, tái chế.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển các khu dân cư, khu đô thị, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng, đặc biệt là giao thông đường bộ, trong đó có tuyến cao tốc Bắc Nam khiến nhu cầu về đất đá san lấp, vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến các hoạt động đào, lấp đất, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển, gây ô nhiễm bụi đối với môi trường xung quanh, tác động đến môi trường không khí khu vực. Ngoài ra, một số khu dân cư, tái định cư tại các huyện, thị xã, thành phố (trừ khu vực TP. Nha Trang) vẫn chưa có hệ thống thu gom nước thải tập trung, ảnh hướng tới chất lượng nước ngầm và môi trường đất của khu vực; hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá... cũng gây ô nhiễm nước và môi trường trầm tích đáy; giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh chủ yếu vẫn là chôn lấp, chưa áp dụng được các công nghệ tiên tiến. 

- Để giải quyết những thực trạng nêu trên, hướng đến môi trường xanh bền vững, thời gian tới, tỉnh có những mục tiêu, kế hoạch như thế nào, thưa bà?

- Năm 2024 và giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu phát triển bền vững, phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về BVMT cấp địa phương, chú trọng phát triển tổ chức quản lý môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục triển khai Kế hoạch BVMT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; cải thiện các chỉ số thành phần môi trường, phấn đấu 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư xử lý nước thải ở khu dân cư, khu đô thị, xử lý rác thải ở nông thôn, thúc đẩy tái chế sử dụng, sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải; quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phát triển, nâng cao chất lượng rừng; tăng độ che phủ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; tăng cường bảo vệ, ngăn ngừa, kiểm soát, giảm ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển...

- Xin cảm ơn bà!

THÁI THỊNH (Thực hiện)