Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có những chủ đầu tư sử dụng lượng khoáng sản phát sinh trong phạm vi thực hiện dự án chưa đúng quy định. Do đó, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án.
Yêu cầu tuân thủ quy định thu hồi khoáng sản trong khu vực dự án
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước Sơn Thạnh (chủ đầu tư Dự án Nhà máy nước Sơn Thạnh tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) số tiền 120 triệu đồng. Nguyên nhân do trong quá trình thi công Nhà máy nước Sơn Thạnh, chủ đầu tư có đào hạng mục hồ điều tiết thoát nước mưa, thoát lũ, phát sinh khối lượng 10.000 - 12.000m3 đất và công ty đã sử dụng để phục vụ san lấp công trình khi chưa thực hiện các bước đăng ký với cơ quan nhà nước theo quy định.
Khu vực thi công Nhà máy nước Sơn Thạnh (huyện Diên Khánh). |
Theo báo cáo của Sở TN-MT, qua theo dõi việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình thời gian qua, vẫn còn một số chủ đầu tư chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công thực hiện việc đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phát sinh trong quá trình thi công.
Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để thực hiện tốt công tác quản lý việc khai thác, thu hồi, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, ngày 5-3, Sở TN-MT có văn bản đề nghị các chủ đầu tư dự án trong quá trình thi công nếu có khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó thì chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công trước khi tiến hành khai thác phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh (thông qua Sở TN-MT). Trong trường hợp quá trình thi công dự án nếu có phát sinh khối lượng đất, đá dôi dư, đạt chất lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có thể phục vụ xây dựng công trình khác thì chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công trước khi tiến hành khai thác phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, như: Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang (thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025); Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Do đó, nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các dự án rất lớn.
Một mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Diên Khánh. |
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản tại các mỏ vật liệu đã được cấp phép phục vụ cho các dự án đang thi công trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả hoạt động thi công nạo vét hồ chứa) có thu hồi khoáng sản cát xây dựng làm vật liệu xây dựng thông thường để cung cấp cho các công trình đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát và hậu kiểm đối với các mỏ khoáng sản đã cấp phép, xác nhận bản đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản để đánh giá việc khai thác khoáng sản có đúng với hồ sơ đăng ký đã được UBND tỉnh xác nhận; việc sử dụng khoáng sản sau khai thác có đúng phục vụ cho công trình đường bộ cao tốc; đánh giá thuận lợi, khó khăn trong việc khai thác tại các mỏ khoáng sản đã cấp phép để xem xét giải quyết tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định; đảm bảo môi trường, cảnh quan, không làm ảnh hưởng đến nguồn nước…; tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần. Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có cơ sở khoáng sản được cấp phép để rà soát việc thực hiện khai thác, phục hồi môi trường, thực hiện các nghĩa vụ tài chính và xác định khối lượng còn thừa sau khi cung cấp cho các công trình đường bộ cao tốc để có phương án quản lý, không để thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các nhà thầu đã được cấp phép khai thác khoáng sản, xác nhận bản đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản phục vụ cho các công trình đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh; kịp thời thông tin cho Sở TN-MT các trường hợp chậm nộp, kê khai nộp thuế thiếu số lượng so với giấy phép, quyết định đã được cấp phép của UBND tỉnh hoặc kê khai đóng thuế tài nguyên đối với khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh có 65 điểm, mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chủ yếu là đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổng diện tích đã cấp giấy phép khai thác hơn 884,3ha, đạt 63% diện tích thăm dò đã được phê duyệt; trữ lượng được cấp phép khai thác là 182.651.857m3, đạt 54% trữ lượng thăm dò đã được phê duyệt. Hiện nay, có 48 mỏ khoáng sản đang hoạt động khai thác, trong đó có 5 mỏ đất san lấp phục vụ thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam với diện tích hơn 58,1ha; trữ lượng khai thác 4.995.267m3. Tổng công suất cấp phép khai thác toàn tỉnh 9,5 triệu m3/năm.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin