20:51, 24/01/2024

Nha Trang: Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước

THÁI THỊNH

Năm 2024, nhiều dự án, hạng mục thoát nước được UBND tỉnh, TP. Nha Trang quan tâm đầu tư, xây dựng đồng bộ và hoàn thiện, hứa hẹn giải quyết được triệt để tình trạng nhiều khu vực của thành phố bị ngập nước.

Nhiều khu vực bị ngập nước khi mưa lớn kéo dài

Những năm qua, tuy UBND tỉnh và thành phố đã rất nỗ lực, quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án, hệ thống thoát nước, nhưng tình trạng ngập nước vẫn diễn ra ở một số khu vực dân cư và tuyến đường lớn của thành phố, đặc biệt khi có mưa lớn. Theo đánh giá của UBND TP. Nha Trang, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là quá trình đô thị hóa tại các xã phía tây thành phố tăng nhanh. Cụ thể, các khu đô thị mới, khu tái định cư được hình thành với cao độ san nền theo quy hoạch bình quân từ 3m đến 4m, cao độ nền đường 23 tháng 10 (4m đến 6m), đường Võ Nguyên Giáp (5m đến 8m) theo chiều từ đông sang tây; trong khi đó cao độ nền hiện trạng các khu vực dân cư bình quân khoảng 2,6m, thấp nhất thuộc phạm vi xã Vĩnh Thạnh khoảng 2,4m. Các khu dân cư hiện trạng trước đây thoát nước theo tự nhiên ra các sông rạch, nay bị chặn dòng nên bị ngập cục bộ không có hướng thoát.

Khu vực Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang dự kiến vận hành trong tháng 3.
Khu vực Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang dự kiến vận hành trong tháng 3.

Cùng với đó, Dự án Chỉnh trị sông Quán Trường hiện chỉ mới thực hiện từ cầu Bình Tân đến đập nước, trong khi đoạn sông nối từ hạ lưu cầu đường sắt Phú Vinh về đập nước đã bị chặn làm mất nguồn nước của sông Quán Trường; hệ thống thoát lũ cho hồ Suối Dầu chưa được đầu tư đồng bộ toàn tuyến; đoạn cuối tuyến nối ra sông Đồng Bò chưa được khơi thông và còn bị thu hẹp dòng chảy bởi các dự án khu đô thị mới; đoạn từ cầu đường sắt Phú Vinh đến cầu Xuân Sơn (đường Võ Nguyên Giáp) chưa được nạo vét khơi thông… Tại khu vực phía bắc TP. Nha Trang, hiện nay, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang (Dự án CCSEP) đã thi công được các tuyến cống chính đường 2 tháng 4, đường Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, phần hạ lưu hệ thống thoát nước tại một số khu vực do vướng công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến thi công chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc thoát nước còn hạn chế, tình trạng ngập nước ở TP. Nha Trang khi có mưa lớn kéo dài vẫn còn diễn ra.

Sẽ triển khai nhiều dự án quy mô lớn

Công nhân nỗ lực thi công tại khu vực Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang.
Công nhân nỗ lực thi công tại khu vực Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang.

Thời điểm này, tại khu vực gói thầu Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải phía bắc và lắp đặt các thiết bị cơ khí của các trạm bơm nước thải thuộc Dự án CCSEP do Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh làm chủ đầu tư, có khoảng 40 kỹ sư, chỉ huy trưởng, công nhân đang nỗ lực thi công các hạng mục phụ, làm đường tạo cảnh quan, lắp điện mặt trời… Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, hiện nay, gói thầu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, công nhân đang thi công hoàn thiện các hạng mục phụ. Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cũng đang triển khai các hạng mục thu gom nước thải và phối hợp với UBND TP. Nha Trang để hoàn tất các thủ tục đấu nối nước thải khu vực, dự kiến sẽ vận hành thử nhà máy xử lý vào đầu tháng 3. Khi dự án hoàn thành đồng bộ, toàn hệ thống các trạm bơm, tuyến ống thu gom (bao gồm các hạng mục tuyến cống và trạm bơm trên đường Chử Đồng Tử thuộc hợp phần 2 của dự án) sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng nước thải xả ra môi trường và tình trạng ngập nước cho khu vực phía bắc thành phố mỗi khi có mưa lớn kéo dài.

Một hạng mục tại gói thầu Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang.
Một hạng mục tại gói thầu Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang.

Trong văn bản trả lời về việc giải quyết vấn đề chống ngập cho thành phố trong giai đoạn phát triển mới, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, trong năm 2023, UBND thành phố đã phê duyệt 34 dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước với kinh phí 108 tỷ đồng, giao UBND xã, phường làm chủ đầu tư để xử lý tình trạng ngập cục bộ. Cùng với đó, hiện nay, UBND tỉnh cũng đã giao các sở, ngành trực thuộc đầu tư các dự án có hợp phần thoát nước quy mô lớn, trọng điểm, như: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thi công Dự án Kè bờ hữu sông Cái và kè bờ sông Cái qua xã Vĩnh Phương dự kiến hoàn thành trong năm 2024; Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư dự án phát triển tích hợp thích ứng - tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (IRDP) dự kiến thực hiện giai đoạn 2024 - 2028, trong đó có hợp phần hệ thống thoát nước được chú trọng là cải tạo chỉnh trị các hạng mục sông suối theo định hướng quy hoạch chung 2040. Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án Đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung với tổng vốn dự kiến 1.491 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027…

Sau khi các dự án, tiểu dự án thành phần đầu tư hoàn thành sẽ hạn chế được việc ngập nước, phát triển cơ sở hạ tầng địa phương, đáp ứng nguyện vọng của người dân thành phố.

THÁI THỊNH