20:26, 05/11/2023

Phí bảo trì các chung cư ở Nha Trang: "Lờ đờ nước hến..."

VĂN KỲ

Ở một số chung cư trên địa bàn TP. Nha Trang có tình trạng, chủ đầu tư sau khi thành lập ban quản trị đã liên tục trì hoãn việc bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Chính vì vậy, mới đây, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về phí bảo trì chung cư, nhằm hạn chế phát sinh các vướng mắc, tiêu cực và đảm bảo việc sử dụng kinh phí bảo trì các chung cư đúng mục đích, công khai, minh bạch. 

Chủ  đầu  tư  dự  án  Chung  cư  Scenia Bay chưa  bàn  giao kinh  phí bảo trì cho ban quản trị
Chủ đầu tư Chung cư Scenia Bay chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư.

Chủ đầu tư “ôm” kinh phí bảo trì

Các hộ dân ở Chung cư Napoleon Castle I (đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phước) phản ánh, tuy họ đã được bàn giao nhà từ năm 2019 đến 2020 nhưng chủ đầu tư liên tục trì hoãn tổ chức hội nghị để thành lập ban quản trị chung cư. Việc không có ban quản trị trong thời gian dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của cư dân tại chung cư. Sau nhiều lần kiến nghị, mãi đến tháng 8-2023, Ban quản trị Chung cư Napoleon Castle I mới được thành lập. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư là Công ty TNHH Cat Tiger Khareal vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị.

Ông Ngô Nguyễn Thanh Sang - Phó Trưởng Ban quản trị Chung cư Napoleon Castle I cho biết, tại hội nghị nhà chung cư lần đầu, chủ đầu tư công bố tổng số tiền kinh phí bảo trì là 12 tỷ đồng nhưng ban quản trị tính toán sơ bộ dựa trên số lượng căn hộ tại chung cư thì số tiền này phải khoảng 20 tỷ đồng. Đặc biệt, chủ đầu tư không in sao kê ngân hàng ra để niêm yết công khai cho cư dân mà chỉ cầm giấy thông báo. Như vậy, số tiền kinh phí bảo trì này đã bị chủ đầu tư giữ gần 4 năm nhưng không công khai, minh bạch, trong khi chung cư có rất nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp không được xử lý kịp thời. “Theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và ban quản trị, tháng 11-2023, ban quản trị sẽ nhận bàn giao quản lý vận hành. Về khoản tiền kinh phí bảo trì, chủ đầu tư đề nghị đầu năm 2024 sẽ tiến hành bàn giao”, ông Sang cho hay.

Tương tự, tại Chung cư Scenia Bay (địa chỉ tại 25 - 26 đường Phạm Văn Đồng), tuy đã thành lập ban quản trị từ tháng 4-2021 nhưng đến nay, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nha Trang Bay vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì để ban quản trị hoạt động. Với số lượng 704 căn hộ nằm mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, ước tính sơ bộ tổng kinh phí bảo trì của Chung cư Scenia Bay khoảng 39 tỷ đồng. Ban quản trị chung cư đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao, giải trình về việc quản lý, sử dụng số tiền này trong những năm qua nhưng công ty không thực hiện. Mặc dù kinh phí bảo trì dùng để chi trả cho các hoạt động bảo dưỡng tòa nhà định kỳ hoặc trường hợp xảy ra hỏng hóc, hư hại nhưng tại cuộc họp với ban quản trị mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Nha Trang Bay lại cho rằng, không có nghĩa vụ báo cáo đến cư dân và ban quản trị các thông tin và số dư tài khoản kinh phí bảo trì của tòa nhà vì “lý do bảo mật thông tin”.

Chủ đầu tư Chung cư Napoleon Castle I chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư.
Chủ đầu tư Chung cư Napoleon Castle I chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư.

Chung cư Sông Đà Nha Trang (số 6 Bãi Dương) đã bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2012 nhưng đến nay, Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang vẫn chưa bàn giao 2% kinh phí bảo trì cho Ban quản trị Chung cư. Nhiều năm nay, Ban quản trị Chung cư Sông Đà Nha Trang liên tục yêu cầu bàn giao lại kinh phí bảo trì nhưng chủ đầu tư tìm lý do để né tránh. Không có phí bảo trì, mỗi lần sửa chữa phần sử dụng chung ở chung cư, ban quản trị phải họp dân để vận động đóng góp rất khó khăn. Theo hồ sơ quyết toán kinh phí bảo trì được lập năm 2020 của Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang, tổng kinh phí bảo trì còn lại hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ước tính của Ban quản trị Chung cư này, kinh phí bảo trì khoảng 5 tỷ đồng.

Chậm bàn giao thì có thể cưỡng chế

 Mới đây, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà chung cư trên địa bàn Nha Trang thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về lập và bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định. Theo văn bản, trước khi ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn để nhận kinh phí bảo trì. Trong vòng 7 ngày sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo đầy đủ thông tin cho Sở Xây dựng được biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền kinh phí bảo trì. Trong vòng 7 ngày sau khi có quyết định công nhận ban quản trị, chủ đầu tư có trách nhiệm lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì và chịu trách nhiệm về kết quả này; công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì theo quy định; bàn giao đúng thời gian, đầy đủ và đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì và lãi suất tiền gửi theo quy định.

Ngoài ra, UBND TP. Nha Trang cũng yêu cầu UBND các xã, phường có trách nhiệm phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản trị chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn; theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết theo quy định để kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. UBND thành phố cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa triển khai các quy định liên quan đến các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư được chặt chẽ, tránh phát sinh các trường hợp vi phạm, gây thất thoát kinh phí bảo trì.

Ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang xác nhận, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị chung cư. Vì vậy, ban quản trị chung cư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư chuyển giao kinh phí bảo trì trong thời gian 7 ngày kể từ khi có quyết định công nhận ban quản trị. Đối với trường hợp chủ đầu tư không thực hiện phối hợp bàn giao, ban quản trị có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì chung cư theo quy định.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hòa: Theo quy định, trường hợp chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì, chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 16/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; bị cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì theo Nghị định số 30/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Trong quá trình thực hiện cưỡng chế, nếu phát hiện chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

VĂN KỲ