21:32, 06/07/2023

Sẽ điều chỉnh chương trình phát triển đô thị

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã rà soát lại Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển cho phù hợp với định hướng của Trung ương.

Điều chỉnh để phù hợp với định hướng của Trung ương

Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đang được thực hiện theo Nghị quyết số 06 ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 17 ngày 15-1-2021 của HĐND tỉnh. Trong đó, mục tiêu chung là phát triển toàn tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm kinh tế biển, kinh tế dịch vụ, du lịch lớn của cả nước; tạo nền tảng đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững và bản sắc quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đối chiếu mục tiêu cụ thể của Chương trình phát triển đô thị theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh với định hướng của Trung ương tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị thì có một số thay đổi chính như sau: TP. Nha Trang từ “tiếp tục là đô thị loại I” thành “là đô thị hạt nhân”; TP. Cam Ranh từ phấn đấu xây dựng “đạt tiêu chí đô thị loại II” thành “là đô thị du lịch - logistics”; thị xã Ninh Hòa từ “tiếp tục là đô thị loại IV” thành “đô thị công nghiệp”; huyện Diên Khánh từ phấn đấu “đạt tiêu chí của đô thị loại IV” thành “là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống”; huyện Vạn Ninh từ phấn đấu “đạt tiêu chí đô thị loại IV” thành “trở thành đô thị du lịch biển cao cấp”; huyện Cam Lâm từ “thị trấn Cam Đức phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV” thành “trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế”; huyện Khánh Sơn từ “thị trấn Tô Hạp tiếp tục là đô thị loại V” thành “là tiểu đô thị sinh thái núi rừng”; huyện Khánh Vĩnh từ “thị trấn Khánh Vĩnh tiếp tục là đô thị loại V” thành “là tiểu đô thị sinh thái núi rừng”. Riêng huyện Trường Sa, theo định hướng trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị là “trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.

Ông Trần Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, qua đối chiếu mục tiêu cũ và định hướng mới của Trung ương, Sở Xây dựng đã báo cáo đề xuất triển khai việc điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh và Chương trình phát triển đô thị tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép triển khai điều chỉnh các chương trình phát triển đô thị. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập chương trình. Sở Xây dựng đang tổ chức thực hiện đấu thầu qua mạng để lựa chọn đơn vị tư vấn lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu còn phù hợp, cần bổ sung để triển khai thực hiện trong thời gian tới đảm bảo tuân thủ các định hướng, quy định của Trung ương và phù hợp với các quy hoạch liên quan.

Diện mạo phía bắc TP. Nha Trang có nhiều thay đổi

Cần tập trung vốn cho các công trình trọng điểm

Theo kế hoạch, nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh là rất lớn. Tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là 111.885 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư công là 32.503 tỷ đồng, tương đương 6.500 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, danh mục dự án thực hiện chương trình có số lượng hàng trăm dự án nên việc cân đối bố trí vốn đầu tư công cho toàn bộ danh mục dự án là không thể thực hiện. Một số công trình, dự án chưa thể triển khai hoặc chậm tiến độ do nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn chế, nguồn thu ngân sách bị sụt giảm, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở xã hội, xây dựng công trình phúc lợi, nhà ở phục vụ người lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục theo hướng xã hội hóa; thực hiện đồng bộ chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị.

Ông Châu cho rằng, để tập trung vốn cho các mục tiêu đề ra, thời gian tới, UBND tỉnh cần chủ động loại bỏ những công trình không cần thiết và bổ sung các công trình trọng điểm, mang tính động lực để phát triển đô thị tại các địa phương. Đồng thời, phải căn cứ nguồn vốn thực tế hiện có của tỉnh và địa phương để xây dựng kế hoạch vốn cụ thể nhằm đáp ứng đúng và đủ nhu cầu đầu tư. Các phòng, ban liên quan ở các sở, ngành, địa phương cũng cần tích cực trong công tác quản lý, rà soát và đánh giá tiến độ thực hiện các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư; chủ động tổng hợp, báo cáo về Sở Xây dựng để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định.

VĂN KỲ