09:52, 05/09/2024

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục

K.D

Ngày 5-9, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chỉ thị về việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu, thời gian vừa qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đã quan tâm, nỗ lực trong công tác tổ chức bán trú; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vẫn xảy ra một số vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm do dùng thực phẩm trước cổng trường, có cả trường hợp ngộ độc do hộ kinh doanh cung cấp suất ăn cho nhà trường đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, gây lo lắng cho gia đình học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhất là trong năm học mới 2024 - 2025, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện một số nội dung gồm: Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo phạm vi, lĩnh vực phụ trách; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hải 2 (TP. Nha Trang).
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hải 2 (TP. Nha Trang).

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương chuẩn bị các phương án sẵn sàng để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học; đồng thời, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định và báo cáo đột xuất khi có vụ việc mất an toàn thực phẩm xảy ra trong cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

K.D