Năm học 2024 - 2025 đã diễn ra gần 1 tháng, song hiện nay các khối lớp 5, 9 và 12 chưa triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do chưa có tài liệu. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này.
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
- Xin ông cho biết việc biên soạn, tổ chức in, phát hành và giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?
- Đối với cấp tiểu học, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh hiệu chỉnh, biên soạn, biên tập tài liệu giáo dục địa phương theo định hướng của Bộ GD-ĐT. Sau khi hoàn thành khâu thẩm định, hoàn thiện tài liệu sau thẩm định, sở đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt. Từ nguồn kinh phí của tỉnh gần 4,3 tỷ đồng, sở đã tổ chức đấu thầu in ấn, xuất bản, cấp cho các trường 114.391 quyển tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập (106.329 quyển dùng cho học sinh, 8.062 quyển dùng cho giáo viên). Các tài liệu này cho học sinh và giáo viên mượn sử dụng và cuối năm thu lại để dùng tiếp cho các năm sau. Sở GD-ĐT đã tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học và ban hành văn bản hướng dẫn giảng dạy, sử dụng tài liệu giáo dục địa phương tỉnh lớp 1 từ năm học 2021 - 2022, lớp 2 từ năm học 2022 - 2023 và lớp 3, lớp 4 từ năm học 2024 - 2025.
Đối với cấp THCS và THPT, tài liệu giáo dục địa phương do UBND tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định và trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. Sở GD-ĐT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để biên soạn với kinh phí gần 5,8 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành tài liệu và tổ chức giảng dạy đối với lớp 6, 7, 8, 10, 11.
- Dạy giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên hiện nay, các khối lớp 5, 9 và 12 chưa có tài liệu giảng dạy ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch tổ chức dạy học ở các nhà trường, thưa ông?
Học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang). |
- Tài liệu giáo dục địa phương cho một số khối lớp chậm triển khai do phải chờ kết quả thẩm định của Bộ GD-ĐT, sau đó mới thực hiện các khâu in ấn, phát hành. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường có thể chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình dạy học, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần. Vì vậy, sở đã chỉ đạo các trường xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương khi có tài liệu.
Hiện nay, Sở GD-ĐT đang tiếp tục phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh biên soạn, hiệu chỉnh tài liệu giáo dục địa phương lớp 5 và dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Đối với khối lớp 9 và 12, sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ GD-ĐT thẩm định tài liệu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định và đang chờ bộ phê duyệt. Sở cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đăng ký số lượng tài liệu giáo dục địa phương cần cung ứng và phối hợp với nhà xuất bản để cung ứng tài liệu tới trực tiếp các cơ sở giáo dục để đảm bảo hoàn thành nội dung môn học khi kết thúc năm học 2024 - 2025.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin