Để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, một trong những yếu tố quyết định là đội ngũ bác sĩ. Những năm gần đây, một số cơ sở y tế công lập, đặc biệt là tuyến huyện đang thiếu bác sĩ. Trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao mà biên chế lại phải tinh giản theo lộ trình, cùng với chính sách lương, phụ cấp chưa thật sự thu hút… đã gây khó cho các cơ sở y tế công lập thu hút bác sĩ về làm việc.
Kỳ 1: Thiếu bác sĩ cục bộ
Tại các cơ sở y tế công lập hiện nay, số bác sĩ cơ bản đủ trên bình diện toàn tỉnh nhưng đang thiếu cục bộ ở một số địa phương, nhất là bác sĩ chuyên môn cao, làm việc tại các chuyên khoa...
Công việc chịu áp lực cao
7 giờ sáng, Khoa Cấp cứu lưu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Ninh Hòa đã đông bệnh nhân (BN). Vừa khám và chỉ định chuyên môn cho bệnh nhi bị gãy tay do tai nạn sinh hoạt, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Cấp cứu lưu quay ra khám cho BN bị cao huyết áp. Vừa lúc đó, xe cấp cứu lại chở thêm BN bị tai nạn lao động vào khoa…
Công việc quay cuồng, tới khi bác sĩ Khoa Nội sang hỗ trợ trực, bác sĩ Dũng mới biết đã đến buổi trưa và mình đã hoàn thành hơn 40 lượt khám trong buổi sáng. Trung bình mỗi ngày, 2 bác sĩ của khoa tiếp nhận 70 - 80 ca, cao điểm tới 90 ca. Ngoài làm giờ hành chính và trực thứ Bảy, Chủ nhật theo tua, có tuần, bác sĩ Dũng trực 2 đêm, gấp đôi mức quy định. Công việc của khoa rất áp lực, nhưng vì thiếu người nên bệnh viện chỉ có thể bố trí 1 bác sĩ khoa khác hỗ trợ trực ngoài giờ hành chính.
Khám bệnh cho bệnh nhi tại Cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa. |
Tương tự, Khoa Hồi sức cấp cứu - Tích cực chống độc, BVĐK khu vực Ninh Hòa chuyên điều trị bệnh nặng, đòi hỏi bác sĩ có mặt 24/24 giờ, nhưng cả khoa chỉ có 3 bác sĩ, trong đó 1 người đi học nên thực tế còn 2 bác sĩ phụ trách 12 giường bệnh; đồng thời phụ trách 4 giường của đơn vị thận nhân tạo. Giữa những tiếng "tút, tút" đầy căng thẳng, bác sĩ Lê Minh Đức - Phó Trưởng khoa đến làm thủ thuật đặt ống thở cho BN này, sau đó sang chỗ BN khác kiểm tra các chỉ số hiển thị trên máy monitor, rồi chỉ định thuốc. Xong, lại vội vàng đi tham gia hội chẩn ca bệnh của các khoa, để bác sĩ còn lại xử trí tiếp. Do thiếu người, khoa cũng được bố trí 5 bác sĩ khoa khác luân phiên hỗ trợ ngoài giờ hành chính. Bác sĩ Đức cho biết: "Theo quy định, 1 bác sĩ chỉ phụ trách 3 BN, nhưng ở đây 1 bác sĩ phải lo 8 BN. Với tình hình này, giả sử bác sĩ hỗ trợ trực bị bệnh không trực được, cả khoa cũng rối loạn theo. Bệnh viện sẵn sàng tạo điều kiện cho đi học hồi sức để về khoa nhưng chưa có ai đăng ký vì sợ áp lực. 10 năm nay, khoa chưa có thêm người. 2 năm qua, tôi chưa biết nghỉ phép là gì". Ở Khoa Nội, 1 bác sĩ cũng phải phụ trách khoảng 20 BN vì khoa có 7 bác sĩ thì 3 người huy động cho phòng khám.
Bác sĩ Lê Quang Lệnh - Giám đốc BVĐK khu vực Ninh Hòa cho biết, bệnh viện hiện có 269 nhân viên y tế (biên chế hơn 60 người), trong đó có 46 bác sĩ. Từ năm 2021 đến tháng 4-2024, đã có 32 người xin nghỉ việc, hoặc nghỉ hưu, trong đó có 8 bác sĩ. Trong 2 năm 2022 và 2023, bệnh viện đã hợp đồng 20 lao động theo Nghị định số 111 ngày 30-12-2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, song nhân lực hợp đồng thêm chủ yếu thay thế cho người nghỉ hưu. Trong đó, có 6 bác sĩ thay thế cho 6 bác sĩ về hưu trong thời gian này. Từ nay đến năm 2026, bệnh viện lại có thêm 3 bác sĩ nữa tiếp tục nghỉ hưu. Thực tế là, bác sĩ mới ra trường cần khoảng 10 năm hành nghề mới đủ kinh nghiệm, nhưng những bác sĩ trẻ về làm 3 - 5 năm, có chút kinh nghiệm lại xin nghỉ.
Hiện nay, Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa có 63 bác sĩ. So với quy định tại Thông tư số 03/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trung tâm còn thiếu hơn 20 bác sĩ. Đơn cử, tại cơ sở 2 của trung tâm, Phòng Khám có 6 bác sĩ, mỗi ngày khám 350 - 400 BN. "Để đảm bảo quy định mỗi bác sĩ khám tối đa 65 ca/ngày, khi BN tới khám đông, trung tâm phải điều động bác sĩ ở BVĐK Ninh Diêm lên hỗ trợ. Hàng ngày, cơ sở phải bố trí tiếp nhận BN khám từ 6 giờ 30 phút để không làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và giảm thời gian chờ đợi cho BN", bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng khoa Khám Cơ sở 2 cho biết.
Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn hiện có 156 người, trong đó có 27 bác sĩ, cơ bản bảo đảm khám 70 - 80 BN/ngày. Nhưng ngoài khám, điều trị, trung tâm còn thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; chưa kể cán bộ y tế nghỉ phép, ốm, thai sản và nghỉ bù sau ca trực nên nếu lượng BN tăng cũng gặp khó khăn.
Thiếu người có trình độ chuyên môn cao
Hiện nay, phân bổ bác sĩ của tỉnh chưa đồng đều, số lượng bác sĩ tập trung nhiều ở tuyến tỉnh, thấp dần ở tuyến huyện và tuyến xã. Theo báo cáo giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2021 - 2025” của HĐND tỉnh, từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh có 67 bác sĩ thôi việc, nghỉ hưu.
Bác sĩ Lê Quang Lệnh cho biết, để phát triển kỹ thuật, chuyên khoa mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025, BVĐK khu vực Ninh Hòa cần 65 bác sĩ; giai đoạn 2025 - 2030 cần 90 bác sĩ. Do thiếu bác sĩ các khoa chuyên sâu, nhân lực trình độ sau đại học và trang thiết bị nên với các kỹ thuật theo phân tuyến cho bệnh viện hạng II, bệnh viện chỉ mới triển khai đạt 42%. Đó là chưa kể đơn vị mất nhiều thời gian đào tạo nhân lực chuyên sâu, nhưng đào tạo xong họ lại nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Tại BVĐK tỉnh, nhân lực tạm đủ so với tình hình thu dung BN điều trị. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn còn thiếu bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên sâu như: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, các hệ nội và một số vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Việc thiếu các bác sĩ ở một số chuyên khoa như vậy cũng gây nhiều khó khăn cho bệnh viện. Hiện tại, bệnh viện vẫn phải sắp xếp bác sĩ trực 24/24 giờ tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức. Ngoài ra, theo Quyết định số 130 ngày 18-1-2023 của Bộ Y tế quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan có quy định các bác sĩ phải có giấy phép hành nghề mới được phép khám, chữa bệnh, ra y lệnh, tham gia trực gác, phẫu thuật, thủ thuật. Hiện tại, tỷ lệ các bác sĩ trẻ chưa có giấy phép hành nghề ở bệnh viện còn cao nên các khoa gặp không ít khó khăn trong giải quyết công việc. Đó là chưa kể bệnh viện còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội như: Khám sức khỏe trung cao, khám sức khỏe từ thiện; điều động, hỗ trợ chuyên môn cho các hoạt động tuyến dưới.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.566 bác sĩ (trong đó có 1.179 bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập), đạt tỷ lệ 12,4 bác sĩ/1 vạn dân (9,4 bác sĩ công lập/1 vạn dân). Tuy nhiên, theo Quyết định số 318, ngày 29-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh cần đạt 14 bác sĩ/1 vạn dân (11 bác sĩ công lập/1 vạn dân trở lên), tương đương cần 2.017 bác sĩ. Như vậy, ngành Y tế tỉnh cần tuyển dụng, đào tạo 451 bác sĩ, trung bình cần 64 bác sĩ/năm.
HOA LY
Kỳ 2: Chế độ chưa đủ sức "giữ chân"
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin