Năm học 2024 - 2025 là năm Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng đối với toàn bộ các khối lớp. Vì vậy, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ có sự thay đổi để phù hợp, trong đó có hình thức thi đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS. Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
- Năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi như những năm trước. Trong đó, kỳ thi chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia THPT tổ chức vào các ngày 20 và 21-9-2024 đối với 9 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tin học. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh THCS và THPT tổ chức vào ngày 6-12-2024. Cấp THCS có 7 môn thi gồm: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tin học, Lịch sử và Địa lý; cấp THPT có 9 môn như kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.
Về hình thức thi, môn Tin học thi lập trình trên máy vi tính; môn Tiếng Anh và Tiếng Pháp kết hợp thi nghe và thi viết (riêng kỳ thi chọn đội tuyển có thêm hình thức thi nói ở môn Tiếng Anh); các môn còn lại thi theo hình thức thi viết. Học sinh có tên trong các đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 không được tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Nội dung thi sẽ được thiết kế phù hợp với chương trình, sách giáo khoa của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nội dung thi của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh ở cấp THCS được giới hạn ở lớp 8 và lớp 9 đến thời điểm tổ chức thi; ở cấp THPT là lớp 10, 11 và lớp 12 đến thời điểm tổ chức thi.
- Xin ông cho biết, đối với các môn tích hợp ở cấp THCS là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, việc thiết kế đề thi học sinh giỏi như thế nào?
- Đề thi các môn này sẽ được thiết kế bao gồm kiến thức của từng phân môn với số lượng câu hỏi phù hợp, trong đó có 2 phần gồm: Phần bắt buộc (chiếm 60% tổng số điểm) và phần tự chọn (chiếm 40% tổng số điểm). Cụ thể, ở môn Khoa học tự nhiên, đề sẽ có 3 phần bắt buộc với mạch nội dung của các chủ đề khoa học (chất và sự biến đổi của chất; năng lượng và sự biến đổi; vật sống; trái đất và bầu trời) được thiết kế dưới dạng các câu hỏi; thí sinh làm bài mỗi phần thi trên các tờ giấy làm bài độc lập. Đồng thời, có 3 phần tự chọn với các mạch nội dung trên, thí sinh chọn 1 trong 3 phần để làm bài trên tờ giấy của cùng phần (phần 1 hoặc phần 2 hoặc phần 3) ở phần bắt buộc.
Tương tự, ở môn Lịch sử và Địa lý, đề có 2 phân môn bắt buộc là Lịch sử, Địa lý được thiết kế dưới dạng các câu hỏi; thí sinh làm bài mỗi phân môn trên các tờ giấy độc lập. Đồng thời, có 2 phân môn tự chọn là Lịch sử hoặc Địa lý, thí sinh làm bài trên tờ giấy của cùng phân môn ở phần bắt buộc.
Tiết học tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang). |
- Việc xếp giải các kỳ thi có thay đổi gì không, thưa ông?
- Việc xếp giải vẫn thực hiện như các năm trước, đó là chỉ xếp giải cá nhân (nhất, nhì, ba, khuyến khích) theo từng môn thi. Thí sinh có điểm bài thi đạt từ trung bình trở lên mới được xem xét xếp giải. Tỷ lệ giải đối với mỗi môn thi như sau: Tổng số giải từ khuyến khích trở lên không vượt quá 50% số thí sinh dự thi; tổng số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Đối với kỳ thi chọn đội tuyển, nếu thí sinh không tham gia đội tuyển để bồi dưỡng chuẩn bị tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT thì sẽ bị thu hồi giải.
- Để tổ chức tốt kỳ thi chọn học sinh giỏi phù hợp với yêu cầu của chương trình mới, ông có lưu ý gì với các trường?
- Kỳ thi chọn học sinh giỏi là giải pháp góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Do đó, các trường cần quan tâm, đầu tư để phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tổ chức tốt kỳ thi các cấp để lựa chọn tham gia kỳ thi cấp tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin