Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa hướng dẫn các phòng GD-ĐT triển khai công tác thư viện trường mầm non. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.
- Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, các trường mầm non phải có thư viện đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đỗ Hữu Quỳnh. |
- Việc triển khai hoạt động thư viện trong trường mầm non nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ, khuyến khích trẻ tìm hiểu, khám phá, góp phần nâng cao chất lượng, giáo dục trẻ mầm non. Theo Thông tư số 16, ngày 22-11-2022 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, thư viện trường mầm non phải đảm bảo các tiêu chuẩn về: Cơ sở vật chất, hoạt động thư viện, quản lý thư viện… Trong đó, các trường mầm non phải xây dựng thư viện bảo đảm diện tích không nhỏ hơn 48m2 (không tính diện tích không gian mở), phải có tối thiểu một phòng đọc cho trẻ em và giáo viên. Sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT tham mưu UBND cấp huyện đầu tư xây mới hoặc cải tạo phòng thư viện trường mầm non theo yêu cầu trên; hướng dẫn các trường những bước xây dựng thư viện theo tiêu chuẩn quy định, thành lập tổ tư vấn xây dựng và quản lý thư viện, cử giáo viên hoặc nhân viên kiêm nhiệm công tác thư viện tham gia đào tạo chuyên môn. Các phòng GD-ĐT sẽ kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức quản lý, sử dụng và hoạt động thư viện của các trường mầm non, công nhận thư viện đạt chuẩn nếu có.
- Hiện nay, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh không có đủ diện tích để xây dựng phòng thư viện riêng. Vậy, giải pháp đối với vấn đề này là gì và làm thế nào để việc tổ chức hoạt động thư viện cho trẻ đạt hiệu quả, thưa ông?
- Sở đã hướng dẫn các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non nếu chưa có phòng để bố trí phòng thư viện thì nhà trường bố trí nơi đọc sách cho trẻ em và giáo viên ở không gian gầm cầu thang, dưới mái vòm và những gốc cây trên sân trường, khu vườn cổ tích với mục đích tận dụng bóng mát của cây và bồn cây làm chỗ ngồi cho trẻ khi đọc sách, đảm bảo trẻ tham gia sử dụng thuận tiện và giúp giáo viên dễ quan sát các hoạt động của trẻ khi tham gia đọc sách tại trường. Đồng thời, chỉ đạo các nhóm, lớp tích cực xây dựng góc thư viện trong các lớp học, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tiếp cận sách truyện, tạo nên sự phong phú, thể hiện sự sáng tạo riêng của trẻ và giáo viên các lớp. Góc thư viện cần được bài trí theo hướng mở, phong cách hiện đại, khoa học, có thể dùng những nguyên vật liệu sẵn có như giấy, tranh vẽ, đồ dùng học tập để trang trí góc thư viện cho sinh động. Mặt khác, cần chú ý đến những vật dụng sẽ được đặt trong góc này, chẳng hạn như thiết kế kệ sách phải phù hợp với chiều cao của trẻ, có màu sắc bắt mắt, phân loại, sắp xếp, thay đổi linh hoạt để tạo hứng thú cho trẻ, có bàn ghế, thảm xốp cho trẻ ngồi đọc sách…
Thư viện của bé tại Trường Mầm non 2-4 (TP. Cam Ranh). |
Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm xây dựng nguồn tài liệu trong góc thư viện, bổ sung các đầu sách bìa cứng, sách tranh, truyện dân gian, truyện cổ tích, sách bảng chữ cái, sách học đếm, sách pháp luật, sách đạo đức, sách y tế, tài liệu tham khảo mới… đảm bảo về số lượng và chất lượng, phong phú về chủng loại, cân đối về thành phần, tăng cường thay đổi sách truyện các góc, chọn những cuốn có nhiều hình ảnh và màu sắc sặc sỡ… Các trường cần tuyên truyền đến cha mẹ của trẻ về tầm quan trọng của sách đối với trẻ để huy động sự hỗ trợ, phối hợp ủng hộ sách, ngày công xây dựng góc thư viện.
Để tổ chức tốt, các trường phải xây dựng kế hoạch công tác thư viện hàng năm, trong đó thể hiện kế hoạch của từng tháng, quý và năm học; giáo viên hoặc nhân viên kiêm nhiệm công tác thư viện bố trí bảo đảm thời gian theo quy định dành cho thư viện, phù hợp với kế hoạch hoạt động và thời khóa biểu đã xây dựng. Giáo viên đứng lớp cần dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ, tích cực sử dụng phương tiện kỹ thuật số để trẻ được tiếp xúc với sách thường xuyên; phối hợp với giáo viên kiêm nhiệm công tác thư viện xây dựng kế hoạch hoạt động của thư viện và triển khai các hoạt động hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin