22:46, 18/03/2024

Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2024: Một số thông tin đáng chú ý

H.NGÂN

Tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường Đại học Nha Trang vừa qua, các chuyên gia đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý cho học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2024.

Tổ chức thi sớm hơn năm trước

Theo các chuyên gia, tại hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2024 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 thông tin quan trọng. Đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế xét tuyển đại học năm nay cơ bản giữ nguyên như năm 2023, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức sớm hơn so với năm trước, theo 1 trong 2 phương án là vào ngày 21 và 22-6, hoặc vào ngày 25 và 26-6. Phương án 1 đang có nhiều ý kiến ủng hộ hơn. Bên cạnh đó, lộ trình đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học của các trường đại học cũng sẽ được đẩy sớm hơn, thí sinh cần lưu ý theo dõi để thực hiện kịp thời. Đối với những thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 - năm cuối cùng tổ chức thi theo chương trình cũ (chương trình giáo dục phổ thông 2006) hoặc vì một lý do nào đó không thể tham gia kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp sẽ vẫn tổ chức kỳ thi vào năm 2025 cho các em với cách thức và tổ hợp môn thi như năm 2023 theo đúng chương trình giáo dục phổ thông đã được học.

Về xét tuyển đại học, chuyên gia đưa ra 5 phương thức xét tuyển chính đang được các trường trên cả nước sử dụng phổ biến hiện nay, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và của nhà trường; xét điểm học bạ THPT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT (theo tổ hợp hoặc từng môn); bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tùy theo từng trường; kết hợp xét chứng chỉ ngoại ngữ với điểm thi tốt nghiệp THPT. Để biết chi tiết, thí sinh nên vào website của từng trường tìm hiểu cách thức xét tuyển, cơ sở vật chất, quy trình đào tạo, học phí…, từ đó lựa chọn nguyện vọng cho phù hợp.  

Học sinh tìm hiểu các thông tin tuyển sinh năm 2024.

 

Lời khuyên khi chọn ngành học

Tại chương trình tư vấn, các học sinh đã bày tỏ sự quan tâm xoay quanh những vấn đề như: Chương trình học và ngành nghề phù hợp với chương trình học của một số trường, phương thức xét tuyển học bạ, cơ hội việc làm sau khi ra trường. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa, giảng viên cao cấp Trường Đại học Nha Trang, hiện nay, cơ hội để trở thành sinh viên các trường đại học rất rộng mở, với nhiều ngành nghề đa dạng. Lựa chọn ngành học ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng tới 4, 5 năm học về sau, hoặc có thể kéo dài hơn nếu sinh viên ra trường học tiếp lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Do đó, các em cần xem xét, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Giải đáp băn khoăn của một học sinh về việc nên lựa chọn ngành nghề theo mong muốn của bản thân hay theo ngành nghề mà xã hội cần, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Trường Đại học Việt Đức (tỉnh Bình Dương) cho rằng, cần phải hài hòa cả 2 yếu tố này. Xu thế nghề nghiệp trong xã hội luôn thay đổi; những ngành nghề mới sẽ xuất hiện, những ngành đang thịnh hành ở thời điểm hiện tại, sau 5 năm có thể bị thoái trào. Do đó, thí sinh phải căn cứ vào sở trường, năng lực của bản thân để xây dựng lộ trình phù hợp cho mình. Dù học ngành gì, nếu giỏi ở lĩnh vực đó thì các em sẽ thành công.

Một học sinh bày tỏ lo lắng về cơ hội việc làm của mình sau khi ra trường liệu có cạnh tranh được với những người giàu kinh nghiệm, hay lớp trẻ ngày càng sáng tạo, năng động hay không. Theo Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin - Truyền thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), đây là thời điểm học sinh có thể xem thông tin về các ngành học của các trường để biết được cơ hội việc làm. Các ngành đào tạo đều có nhu cầu của xã hội nên các trường mới thiết kế các chương trình học và cập nhật thường xuyên để bảo đảm khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, cơ hội của mỗi người như thế nào phụ thuộc vào chính bản thân từng người. Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú khuyên các thí sinh nên chuẩn bị kỹ năng và phương pháp học tập ngay từ bây giờ, đặc biệt là sự chủ động và khả năng tự học, cập nhật kiến thức mới. Nếu mỗi người luôn tự làm mới bản thân mình, cộng thêm những kỹ năng và thái độ cần thiết trong công việc thì không lo sợ sẽ thụt lùi trong xã hội.

Tư vấn cho học sinh về việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, theo quy chế của Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp và chỉ có thể trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất trong số các nguyện vọng đã chọn. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh nên chia các nguyện vọng đăng ký làm 3 nhóm: Nhóm 1 là những ngành yêu thích nhưng có điểm chuẩn hàng năm cao hơn so với năng lực của mình; nhóm 2 là những ngành bằng hoặc chênh lệch 1 điểm so với năng lực; nhóm 3 là nhóm an toàn, gồm những ngành mà thí sinh có khả năng đạt thấp hơn 2 điểm so với điểm chuẩn của năm trước.

H.NGÂN