22:12, 22/01/2024

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT: Từng bước gỡ khó

H.NGÂN

Qua hơn 1 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, các trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn gặp không ít khó khăn, lúng túng cần được tháo gỡ.

Còn lúng túng khi triển khai

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 2 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT, đang thực hiện đối với khối lớp 10 và 11. Vấn đề khó khăn nhất ở các trường THPT khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là phải xây dựng tổ hợp môn đáp ứng nguyện vọng của học sinh (HS), vừa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (GV) của trường. Theo thầy Hồ Thế Dũng - GV Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Cam Ranh), có nhiều trường THPT không đủ năng lực để tổ chức cho HS lớp 10 tự do lựa chọn môn học, mà phải cân đối tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ GV và số lớp để xây dựng các tổ hợp môn và cụm chuyên đề. Vì vậy, vẫn tồn tại việc HS phải học những môn không thích, không đủ năng lực, không đúng sở trường. Mới đây, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn sẽ làm hạn chế số tổ hợp xét tuyển đại học, do đó khả năng sẽ có HS điều chỉnh môn học khi lên lớp 12 để phù hợp với tổ hợp xét tuyển đại học. Điều này sẽ gây trở ngại cho hoạt động dạy học ở trường THPT. Mặt khác, khi đổi môn học thì kiến thức của HS sẽ bị hổng rất nhiều vì không được học ở lớp 10 và 11.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Cô Nguyễn Thị Diệu Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, trường chỉ có 3 lớp, trong đó có 1 lớp năng khiếu thể thao, 2 lớp HS dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong việc xây dựng tổ hợp môn. Chỉ có khoảng 10% HS học tổ hợp có các môn khoa học tự nhiên, còn lại đa số chọn tổ hợp có các môn khoa học xã hội. Nhiều năm qua, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường còn rất hạn chế vì thiếu kinh phí, không có sự phối hợp, hỗ trợ từ gia đình HS. Việc đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng chương trình mới đối với HS dân tộc thiểu số cũng rất khó. Đa số các em tiếp thu chậm, nhất là các môn Toán, Khoa học tự nhiên, tiếng Anh... Bên cạnh đó, số lượng GV ít, có môn chỉ có 1 GV nên đối với môn Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương phải phân công chủ đề cho GV có chuyên môn của chủ đề đó. 

Một số GV đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ tiếp cận của HS THPT đối với chương trình mới ở trường mình. Theo cô Trần Nữ Huyền Thanh Thủy - GV Trường THPT Võ Nguyên Giáp (huyện Diên Khánh), qua khảo sát 312 HS khối lớp 10, 11 của trường, có 65,5% HS cho rằng chương trình mới khó, 6,1% cho rằng rất khó, 32,5% cho rằng bình thường, chỉ có 1% cho rằng dễ. Ngoài ra, đa số HS cho rằng chương trình mới chỉ đáp ứng được một phần năng lực, sở trường của các em. Tất nhiên, có thể những điều các HS cảm nhận chưa đánh giá chính xác về chất lượng môn học, nhưng cũng là điều đáng suy ngẫm về cách thức triển khai bài dạy của GV.

Cô Nguyễn Thị Thanh Mến - GV Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm) cho biết, qua khảo sát áp lực học tập của HS khối lớp 10, 11 tại trường khi tiếp cận chương trình mới, có tới 83,5% HS rơi vào trạng thái áp lực, lo âu, căng thẳng. Trong đó, 42,4% cho rằng nguyên nhân do chương trình có lượng kiến thức nhiều và khó, 22,9% cho rằng lịch học dày đặc.

Tiếp tục khắc phục khó khăn

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, sở đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thực hiện các phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở các trường gặp không ít khó khăn do mức độ sẵn sàng cho đổi mới và tinh thần vượt khó trong đổi mới của một bộ phận cán bộ quản lý, GV chưa đồng đều; việc phân công GV đảm nhận các nội dung trong chương trình và xây dựng kế hoạch giáo dục đối với môn Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương của một số địa phương, nhà trường còn lúng túng.

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo và quản lý kế hoạch bài dạy của GV ở một số địa phương, nhà trường còn máy móc, chưa hướng dẫn đầy đủ để GV hiểu đúng, làm đúng, phát huy được sự chủ động, sáng tạo; việc xây dựng các tổ hợp môn còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của HS. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ và thiếu GV dạy các môn học mới, như: Âm nhạc, Mỹ thuật... Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có những chỉ đạo, đề xuất tới các cấp, ngành để có sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn; rà soát, sắp xếp lại đội ngũ GV; bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường… nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mới.

Theo cô Nguyễn Thị Diệu Hiếu, việc triển khai chương trình mới là vấn đề lớn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bởi chính Bộ Giáo dục và Đào tạo khi quyết định triển khai cũng chưa lường hết khó khăn ở cơ sở. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tăng cường sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, tập trung bàn các giải pháp thực hiện kế hoạch bài dạy; khuyến khích GV viết sáng kiến, tìm tòi giải pháp nâng cao chất lượng dạy học phù hợp với từng đối tượng HS. Còn cô Nguyễn Thị Thanh Mến cho rằng, các trường nên thành lập ban hỗ trợ HS, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cách chọn tổ hợp môn, chia sẻ kỹ năng và phương pháp học tập cho HS... Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho GV nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

H.NGÂN