21:06, 03/01/2024

Quản lý giáo dục trên môi trường số

H.NGÂN

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác quản trị, quản lý. Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT trong thời gian tới.

Mang lại tiện ích

 

Từ năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) bắt đầu triển khai quản lý các hồ sơ của giáo viên, tổ chuyên môn và học sinh trên phần mềm như: Sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử, sổ theo dõi chuyên cần của học sinh, kế hoạch bài dạy (giáo án)… Cô Võ Trần Thu Ngân - giáo viên của trường cho biết: “Tôi sử dụng các phần mềm hàng ngày, trên nhiều phương diện, từ việc nhận xét học sinh, theo dõi chuyên cần, cập nhật các thông báo của nhà trường, thông báo kết quả học tập… Giáo viên cũng có thể quét mã QR để xem các tài liệu, báo cáo nên rất tiện lợi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp nhà trường, giáo viên làm việc khoa học, tiện ích, nhanh chóng hơn, giảm bớt hồ sơ giấy và các thủ tục hành chính so với cách làm truyền thống”.

Được biết, những năm qua, Sở GD-ĐT đã triển khai hệ thống quản lý trường học từ cấp tiểu học đến THCS, THPT trong toàn tỉnh. Trong đó, cấp THPT đang sử dụng hệ thống quản lý SMAS (do Viettel Khánh Hòa cung cấp); cấp THCS sử dụng hệ thống quản lý vnEdu (VNPT Khánh Hòa). Ở cấp tiểu học, các trường trên địa bàn huyện Vạn Ninh và Cam Lâm sử dụng hệ thống quản lý SMAS; các huyện còn lại sử dụng vnEdu. Đối với cấp mầm non, mới đây, Sở GD-ĐT đã làm việc với 3 đơn vị cung cấp hệ thống phần mềm quản trị trường mầm non (Công ty Cổ phần Công nghệ Megasoft Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Chuyển giao công nghệ Việt Nam; VNPT Khánh Hòa) để nghe báo cáo về các tính năng của phần mềm và có văn bản giới thiệu cho 8 phòng GD-ĐT để lựa chọn và triển khai trong năm học 2023 - 2024. Theo đó, tất cả các trường mầm non công lập sẽ triển khai hệ thống quản lý trường học, ứng dụng nhật ký điện tử, phần mềm quản lý ăn bán trú (dinh dưỡng và tài chính), phần mềm kế hoạch giáo dục, chữ ký điện tử.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, triển khai hệ thống quản lý trường học ở tất cả các cấp học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chuyển đổi số trong năm học 2023 - 2024. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đang hoàn thiện, bổ sung một số nội dung để trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành GD-ĐT và xây dựng Trung tâm điều hành về GD-ĐT tỉnh. Trung tâm này sẽ kết nối với các lĩnh vực thành phần như: Trường học, lớp học, giáo viên, học sinh..., mang đến cái nhìn toàn diện về hệ thống giáo dục và cho phép các cấp quản lý đưa ra quyết định điều hành với thông tin đầy đủ, chính xác và trực tuyến. Sở GD-ĐT cũng đang triển khai phần mềm quản lý thư viện, đầu tư mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin và các trang thiết bị khác, quản lý thu phí nhà trường đối với tất cả các trường học…

Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, các trang thiết bị như: Máy tính, thiết bị mạng phục vụ tốt cho việc triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của sở và ngành GD-ĐT. Mục tiêu là đến năm 2025 sẽ hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT tỉnh, tích hợp các dữ liệu về đội ngũ giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất trường học, tài chính, tài nguyên dạy học... theo quy định của Bộ GD-ĐT và yêu cầu thực tế của ngành; chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin từ các nhà trường đến phòng, sở, Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đó, 100% quy trình và hồ sơ công việc tại Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT sẽ được xử lý trên môi trường mạng (trừ các quy trình công việc thuộc phạm vi bảo mật theo quy định); 100% quy trình các kỳ thi được tổ chức và quản lý bằng phần mềm hỗ trợ; các cuộc họp, tập huấn giáo viên của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và nhà trường đều áp dụng được hình thức trực tuyến. Đối với các nhà trường, mục tiêu hướng tới là toàn bộ trường học triển khai các hệ thống thông tin điều hành trường học thông minh; 100% quy trình, hồ sơ công việc được xử lý trực tuyến; tất cả hồ sơ của giáo viên, học sinh chuyển đổi thành hồ sơ điện tử và toàn bộ sổ sách quy định trong nhà trường có thể quản lý bằng sổ điện tử. “Thực hiện việc chuyển đổi số trong quản lý GD-ĐT là giải pháp đột phá giúp công tác quản lý hiệu quả, đồng bộ và toàn diện hơn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng GD-ĐT”, ông Sơn nhận định.

H.NGÂN