Theo Thông tư số 27, ngày 28-12-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông (có hiệu lực từ ngày 12-2), quyền lựa chọn, quyết định SGK sẽ được trao lại cho các nhà trường. Sở GD-ĐT sẽ tổ chức triển khai công tác lựa chọn SGK sau khi UBND tỉnh ban hành các tiêu chí lựa chọn.
Nhà trường quyết định lựa chọn sách giáo khoa
Tính từ khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến nay, Bộ GD-ĐT đã 3 lần thay đổi quy định chọn SGK. Cụ thể, theo Thông tư số 01, ngày 30-1-2020 hướng dẫn lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, quyền lựa chọn, quyết định SGK là của các trường, thực hiện từ năm học 2020-2021. Sau đó, Thông tư số 25, ngày 26-8-2020 (thay thế cho Thông tư 01) quy định, hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập, áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, theo kết luận của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK, quy định lựa chọn SGK phổ thông tại Thông tư số 25 chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Vì thế, Thông tư số 27 ra đời, thay thế Thông tư số 25 đã trao lại quyền lựa chọn SGK cho các nhà trường, UBND tỉnh chỉ phê duyệt danh mục do các trường lựa chọn. Thông tư mới sẽ được áp dụng từ năm học 2024 - 2025 để lựa chọn SGK cho khối 5, 9 và 12, những khối lớp cuối cùng trong lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học.
Tiết học của học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Quyền (huyện Diên Khánh) năm học 2023 - 2024. |
Cụ thể, theo Thông tư số 27, hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục do người đứng đầu (hiệu trưởng nhà trường hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên...) thành lập, bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người. Hội đồng sẽ tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá SGK của giáo viên; danh mục SGK do các tổ chuyên môn lựa chọn; sau đó tổng hợp, đề xuất danh mục SGK với người đứng đầu. SGK được lựa chọn phải bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Nếu không đạt, tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại. Phòng GD-ĐT hoặc Sở GD-ĐT có trách nhiệm thẩm định hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. UBND tỉnh sẽ xem xét, phê duyệt danh mục SGK do các cơ sở giáo dục lựa chọn. Trước ngày 30-4 hàng năm, các cơ sở giáo dục phải thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh được biết.
Mong sớm có sách để nghiên cứu, lựa chọn
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt danh mục 41 SGK lớp 5; 48 SGK lớp 9 và 39 SGK lớp 12, đồng thời vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sử dụng từ năm học 2024 - 2025. Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục có nhiệm vụ phổ biến, quán triệt Thông tư số 27 đến cán bộ quản lý, giáo viên để chủ động nghiên cứu. Mới đây, sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận để sở hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, dự kiến ban hành trong quý I/2024. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, sở sẽ tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn công tác lựa chọn SGK theo quy định mới.
Học sinh và phụ huynh tìm mua sách giáo khoa năm học 2023 - 2024. |
Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (huyện Diên Khánh), việc trao quyền cho nhà trường lựa chọn SGK sẽ phát huy sự chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc nghiên cứu, lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng trường. Nhà trường đã yêu cầu cán bộ, giáo viên chủ động nghiên cứu kỹ Thông tư số 27. Sau khi Phòng GD-ĐT huyện tổ chức tập huấn, trường sẽ triển khai các bước lựa chọn SGK lớp 9 theo quy định. Cô Võ Trần Thu Ngân - giáo viên Trường Tiểu học Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) cho rằng: “Để lựa chọn SGK lớp 5 phù hợp, giáo viên còn phải nghiên cứu SGK từ lớp 1 đến lớp 4 trong chương trình mới, từ đó có sự đối chiếu, so sánh giữa cái mới và cũ để chọn SGK lớp 5 đảm bảo tính kết nối, liên thông với các khối lớp trước. Giáo viên mong muốn sớm có sách để có thời gian đọc, nghiên cứu kỹ lưỡng, cùng nhau thảo luận để tìm ra những điểm phù hợp và chưa phù hợp với trường mình”.
H.NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin