21:42, 12/12/2023

Giúp em vững bước tới trường

THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN

Hành trình đến trường của những học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn trước hết là nhờ nỗ lực vượt lên chính mình của các em. Cùng với đó, là sự quan tâm đồng hành của xã hội để giúp các em thêm vững bước đến trường. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao học bổng Vừ A Dính cho học sinh Khánh Hòa, tháng 10-2023.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao học bổng Vừ A Dính cho học sinh Khánh Hòa vào tháng 10-2023.

Dẫu khó khăn…

Hừng đông vừa ló, cơn gió biển sớm mai khẽ luồn qua những con hẻm ở Tổ dân phố Bích Đầm (đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) như ru các em nhỏ thêm tròn giấc say. Hôm đó, HS Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, điểm Bích Đầm được nghỉ học. Nhưng thay vì ngủ nướng như mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, em Lương Ngọc Phúc (lớp 4 BĐ) vẫn dậy sớm giúp mẹ nấu cơm đi làm. Chúng tôi tới căn nhà vách tôn lụp xụp đúng lúc mẹ Phúc lật đật chạy sang hàng xóm mượn tạm ít gạo. Với gia đình thuộc diện hộ nghèo như nhà Phúc, chuyện đó không hiếm. Lớn lên nhờ nồi chè bán rong và công việc làm mướn của mẹ, chị em Phúc đã quen với cảnh thiếu thốn. Gần đây, mẹ Phúc đi làm tạp vụ, thu nhập nhỉnh hơn nhưng cảnh nhà vẫn thiếu trước, hụt sau.

Cô Trương Thị Bích Phương củng cố kiến thức 
cho em Lương Ngọc Phúc.
Cô Trương Thị Bích Phương củng cố kiến thức cho em Lương Ngọc Phúc.

Căn nhà thuê vỏn vẹn 15m2 nằm cuối con hẻm nhỏ là nơi ở của em Đặng Hữu Tài (lớp 12A1 Trường THPT Phạm Văn Đồng, Nha Trang) cùng mẹ và người cha yếu bệnh nhiều năm. Chi tiêu trong gia đình trông cả vào tiền gia công dây bạc được vài triệu đồng mỗi tháng của mẹ Tài. Phần gác xép chật chội dành cho cha Tài nghỉ ngơi sau mỗi lần chạy thận nên Tài thường bê bàn ra dưới mái hiên để học. Tài học giỏi nhưng không ít lần tính chuyện nghỉ học đi làm để kiếm tiền phụ cha mẹ. Biết con ham học, mẹ Tài động viên con tiếp tục cố gắng.

Góc học tập của em Đặng Hữu Tài 
ngay dưới mái hiên nhỏ.
Góc học tập của em Đặng Hữu Tài ngay dưới mái hiên nhỏ.

Từ thôn Thành Sơn (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) đến Trường THCS Cao Văn Bé chỉ khoảng 3km nhưng vì không có xe đạp nên em Cao Thị Kim Thu (HS lớp 8/1) phải đi bộ từ nhà trước cả tiếng để kịp giờ vào lớp. Dù vậy, bất kể nắng mưa, Thu luôn tới lớp đúng giờ, chưa nghỉ buổi nào. Thương mẹ hay đau bệnh, một mình cha làm rẫy nuôi 4 chị em, Thu luôn tự nhủ chỉ có cố gắng học tập mới mong thoát nghèo.

… vẫn nỗ lực vươn lên

Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên các em càng nỗ lực vươn lên. 11 năm học phổ thông, Tài liên tục đạt HS giỏi. Em từng đạt giải nhất cuộc thi Giải Toán qua Internet cấp tỉnh khi là HS lớp 3. Thấy Tài ham học, một cô giáo đã chủ động phụ đạo ngoài giờ, giúp em mở rộng kiến thức. Tài tâm sự: “Có lúc em cảm thấy tủi thân vì hoàn cảnh gia đình. Nhưng thấy có bạn còn khó khăn hơn vẫn đang nỗ lực từng ngày, trong khi mình được thầy cô quan tâm, hỗ trợ nên em tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để thực hiện ước mơ đậu đại học ngành công nghệ thông tin”.

Cô Trương Thị Bích Phương, giáo viên chủ nhiệm của Phúc kể, em rất chăm học, thông minh và thương mẹ. 4 năm liền, Phúc đều đạt danh hiệu HS xuất sắc và tích cực tham gia hoạt động văn nghệ. Các bạn rủ đi chơi, Phúc đều từ chối vì muốn dành thời gian giúp mẹ làm việc nhà. Để động viên em, mỗi khi trường thông báo hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn, cô đều đăng ký tên Phúc.

Em Cao Thị Kim Thu luôn được thầy cô quan tâm, 
động viên vượt khó vươn lên.
Em Cao Thị Kim Thu luôn được thầy cô quan tâm, động viên vượt khó vươn lên.

Sự chuyên cần của cô học trò nghèo Cao Thị Kim Thu được thầy cô, bạn bè ghi nhận. Em còn là thành viên năng nổ của Ban Chỉ huy Liên đội, tham gia nhiều hoạt động của trường. Ngoài giờ học, Thu phụ cha mẹ chăn bò, nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, chăm em… Ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, em Hà Khôi (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) là lớp phó học tập lớp 12B, thành viên Ban Chấp hành Đoàn trường, là nhân tố tích cực của Đội Thanh niên xung kích và các câu lạc bộ của trường; là một trong những HS giỏi tiêu biểu vượt khó của trường năm học 2022 - 2023. Với sự dạy dỗ tận tâm của các thầy cô, em vừa dự thi HS giỏi cấp tỉnh môn Địa lý...

Quan tâm chăm lo cho các em

Những năm qua, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ chi phí đi học cho HS, sinh viên người dân tộc thiểu số từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí… cho HS nghèo. Bên cạnh đó, các em còn nhận được sự quan tâm từ các cấp hội khuyến học, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đó là những suất học bổng khích lệ thành tích học tập; những chiếc xe đạp giúp đường tới trường gần hơn; chế độ miễn, giảm các khoản đóng góp, hoặc là những tập sách vở, chiếc cặp, cây bút được trao tặng… Mỗi món quà đều là sự san sẻ, khích lệ, động viên các em lúc khó khăn. Có em còn được nhận đỡ đầu, nuôi ăn học từ nhỏ đến khi tốt nghiệp đại học. 

Dù vậy, theo ông Trần Quang Mẫn - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, vẫn còn những HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ… cần tiếp tục được cộng đồng hỗ trợ. Đó không chỉ là sự hỗ trợ về hiện vật hay học bổng, mà còn là sự động viên bằng công sức, trí tuệ, tình cảm nhằm tiếp thêm ý chí, nghị lực để các em vượt qua khó khăn. Bởi đôi khi, chỉ cần gieo một "hạt giống" yêu thương cũng đủ "kết trái" trong lòng người nhận, tạo ra động lực vượt khó để thành công và tiếp nối hỗ trợ những HS có hoàn cảnh khó khăn khác.

Trong chương trình trao học bổng cho HS người dân tộc thiểu số, con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại Khánh Hòa vào tháng 10-2023, đồng chí Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” cho rằng, trị giá các suất học bổng tuy không lớn nhưng chứa đựng trong đó sự chắt chiu, gom góp của cả cộng đồng, từ các chủ doanh nghiệp, người làm công ăn lương, chú xe ôm, cô bán rau, bán cá, đến những em HS tiết kiệm bỏ heo đất và cả các kiều bào... Đó chính là tấm lòng thơm thảo của toàn thể đồng bào dành cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, mong các em HS nỗ lực vượt khó, học thật giỏi để sau này cống hiến cho quê hương, đất nước. 

Từ năm 2015 đến 2022, từ sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh đã trao hơn 460.000 suất học bổng và phần thưởng cho HS nghèo vượt khó, HS giỏi… trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền hơn 125 tỷ đồng, cùng nhiều phương tiện dạy và học...
Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và học bổng cho HS tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh cũng vừa ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí 5 tháng của năm học 2023 - 2024 đối với toàn bộ trẻ mầm non và HS phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập; tổng mức hỗ trợ khoảng 44 tỷ đồng.

THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN
 

 

Một giờ học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.
Một giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Niềm vui của giáo viên và học sinh thị xã Ninh Hòa khi đi nhận học bổng Vừ A Dính, tháng 10-2023.
Niềm vui của giáo viên và học sinh thị xã Ninh Hòa khi đi nhận học bổng Vừ A Dính, tháng 10-2023.

 

 

Những lúc không bận học, em Đặng Hữu Tài lại giúp mẹ gia công dây bạc.
Những lúc không bận học, em Đặng Hữu Tài lại giúp mẹ gia công dây bạc.
Lương Ngọc Phúc  thường giúp mẹ việc nhà.
Em Lương Ngọc Phúc thường giúp mẹ việc nhà.
Cô Trương Thị Bích Phương và em Lương Ngọc Phúc.
Cô Trương Thị Bích Phương củng cố kiến thức cho em Lương Ngọc Phúc.