Hiện nay, việc thực hiện chương trình song ngữ tiếng Pháp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do nhu cầu học giảm dần. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn dạy song ngữ tiếng Pháp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nhu cầu giảm dần
Toàn tỉnh hiện có 3 trường tại TP. Nha Trang tổ chức dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp là: Tiểu học Xương Huân 1, THCS Trần Quốc Toản và THPT Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học chỉ có khối lớp 5 học chương trình song ngữ 10 tiết/tuần, còn khối lớp 1 và 2 học tiếng Pháp tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần; khối lớp 3 học tiếng Pháp ngoại ngữ 1 bắt buộc 4 tiết/tuần. Đối với cấp THCS, ngoài việc học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, một số học sinh còn học chương trình song ngữ tiếng Pháp (7 tiết tiếng Pháp và 2 tiết Toán bằng tiếng Pháp/tuần), một số em khác học chương trình tiếng Pháp tăng cường (7 tiết tiếng Pháp/tuần, không học môn Toán bằng tiếng Pháp). Ở cấp THPT, có 2 hệ tiếng Pháp là: Tiếng Pháp ngoại ngữ 1 (theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, không học tiếng Anh) và tiếng Pháp song ngữ (có học tiếng Anh là ngoại ngữ 1).
Một tiết học tiếng Pháp tại Trường Tiểu học Xương Huân 1. |
Những năm gần đây, nhu cầu học tiếng Pháp trên địa bàn tỉnh giảm dần. Cô Trần Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xương Huân 1 cho biết, năm học 2023 - 2024, khối lớp 1 có 1 lớp học tiếng Pháp với 33 học sinh, lớp 2 có 29 học sinh, lớp 3 có 32 học sinh. Khối lớp 4 hiện không tổ chức lớp tiếng Pháp vì khi tuyển sinh không đủ số lượng để mở lớp. Lớp 5 song ngữ tiếng Pháp hiện chỉ còn 24 em, giảm 9 em so với khi tuyển sinh vì những em này lần lượt xin ra khỏi chương trình tiếng Pháp. Kể từ năm học này, khối lớp 3 thực hiện dạy tiếng Pháp là ngoại ngữ 1 bắt buộc theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên chỉ còn 4 tiết/tuần (thay vì 10 tiết/tuần như chương trình song ngữ tiếng Pháp); còn khối lớp 1, 2 học làm quen tiếng Pháp 2 tiết/tuần. Riêng học sinh lớp 5 chưa thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên vẫn thực hiện dạy song ngữ tiếng Pháp và phải học thêm 3 tiết tiếng Pháp vào buổi chiều thứ Sáu, khi các lớp khác đã được nghỉ.
Cần có hướng dẫn mới
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc duy trì dạy song ngữ tiếng Pháp thời gian qua gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu ở nhà trường và biên chế giáo viên. Với quy định học tiếng Pháp 10 tiết/tuần, học sinh các lớp song ngữ tiếng Pháp không còn thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục kỹ năng sống... Ở cấp tiểu học, theo quy định hiện hành, các lớp dạy 2 buổi/ngày có tỷ lệ giáo viên/lớp không quá 1,5. Định mức này chỉ đảm bảo điều kiện dạy ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3, 4, 5 là 4 tiết/tuần. Việc thực hiện chương trình song ngữ tiếng Pháp 10 tiết/tuần cần định mức ở các lớp song ngữ tiếng Pháp là 1,7 giáo viên/lớp. Tương tự, ở cấp THCS, quy định tỷ lệ giáo viên/lớp không quá 1,9 chỉ đảm bảo điều kiện dạy ngoại ngữ 1 bắt buộc là 3 tiết/tuần; còn các lớp song ngữ tiếng Pháp học 10 tiết/tuần cần định mức 2,2 giáo viên/lớp. Ở cấp THPT, định mức 2,25 giáo viên/lớp theo quy định chỉ đảm bảo điều kiện dạy ngoại ngữ 1 bắt buộc là 3 tiết/tuần; còn các lớp song ngữ tiếng Pháp dạy 10 tiết/tuần cần định mức 2,65 giáo viên/lớp.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, vừa qua, một số phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Xương Huân 1 đề xuất mong muốn tiếp tục duy trì các lớp song ngữ tiếng Pháp. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có nội dung hướng dẫn về việc tuyển sinh, tổ chức dạy học song ngữ tiếng Pháp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn triển khai dạy môn Tiếng Pháp là ngoại ngữ 1, không phải là song ngữ tiếng Pháp. Mới đây, sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn hoặc cho ý kiến về việc thực hiện chương trình song ngữ tiếng Pháp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để địa phương định hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới.
H.NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin