Mới đây, qua khảo sát nhu cầu học môn ngoại ngữ 1 cho học sinh lớp 3 năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép được tiếp tục tổ chức giảng dạy môn Tiếng Anh là ngoại ngữ 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề này.
- Xin ông cho biết, việc triển khai dạy ngoại ngữ theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào?
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo |
- Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc, được triển khai dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Tùy theo nhu cầu và điều kiện dạy học mà các trường có thể chọn ngoại ngữ 1 là một trong số các môn: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Thời gian qua, để triển khai thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã chọn Tiếng Anh là ngoại ngữ 1 để giảng dạy trong các nhà trường từ cấp tiểu học đến THCS, THPT. Trong đó, triển khai đối với lớp 6 từ năm học 2021 - 2022; đối với lớp 3, 7 và 10 từ năm học 2022 - 2023; đối với lớp 4, 8 và 11 từ năm học 2023 - 2024 theo lộ trình quy định. Tuy đã có sự chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như bồi dưỡng, tập huấn đại trà cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên nhưng quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, như: Đội ngũ giáo viên ở các cấp học chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày còn thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại nhiều trường còn hạn chế; sĩ số học sinh/lớp đông...
Bên cạnh việc tổ chức giảng dạy ngoại ngữ 1 là Tiếng Anh, hiện nay, ngành GD-ĐT tỉnh còn tổ chức dạy môn Tiếng Pháp tăng cường và song ngữ tại 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT, với tổng cộng hơn 500 học sinh theo học, giảm 2 trường và giảm 200 học sinh so với năm học 2022 - 2023. Trong đó, có 6 trong số 7 giáo viên cấp tiểu học vừa dạy Tiếng Anh, vừa dạy Tiếng Pháp do không có học sinh học Tiếng Pháp.
- Vừa qua, trong văn bản về việc triển khai dạy ngoại ngữ trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương khảo sát nhu cầu, triển khai lựa chọn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh để tổ chức giảng dạy. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Học sinh Trường Tiểu học Cam Linh (TP. Cam Ranh) trong giờ học Tiếng Anh. |
- Trong tình hình hiện nay, ngoài Tiếng Anh, việc dạy các thứ tiếng khác là ngoại ngữ 1 trên địa bàn tỉnh chưa khả thi do nhu cầu học rất ít, lại không tập trung theo trường nên khó đáp ứng trong điều kiện biên chế giáo viên còn khó khăn. Cụ thể, theo số liệu Sở GD-ĐT thống kê từ các phòng GD-ĐT mới đây, trong tổng số 21.844 học sinh lớp 3 được khảo sát, có tới 20.978 em chọn Tiếng Anh là ngoại ngữ 1; còn lại chỉ có 899 em chọn các thứ tiếng khác, cụ thể là Tiếng Nga (43 em), Tiếng Nhật (259 em), Tiếng Pháp (103 em), Tiếng Hàn (240 em), Tiếng Trung Quốc (228 em) và phân tán ở một số trường. Với tình hình đó, các trường không đủ điều kiện để bố trí lớp và đội ngũ giáo viên theo định mức số tiết/tuần; phương án tổ chức dạy liên trường cũng không khả thi. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh đồng nghĩa với việc phải tuyển dụng giáo viên dạy ngoại ngữ khác thay cho giáo viên Tiếng Anh hiện có. Mặt khác, danh mục sách giáo khoa lớp 3 đối với các ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh do Bộ GD-ĐT phê duyệt cũng chưa đầy đủ các thứ tiếng như trên. Do vậy, để bảo đảm tính ổn định trong việc tổ chức giảng dạy ngoại ngữ, Sở GD-ĐT đã đề xuất UBND tỉnh cho phép được tiếp tục tổ chức giảng dạy môn Tiếng Anh là ngoại ngữ 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Sau khi hoàn tất lộ trình thực hiện chương trình (triển khai đối với lớp 5, 9 và 12 từ năm học 2024 - 2025), tùy theo nhu cầu thực tế của học sinh, tình hình sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ…, Sở GD-ĐT sẽ báo cáo và tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phù hợp.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin