23:03, 25/10/2023

Cần sớm ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025

H.NGÂN

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các trường mong Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sớm công bố phương án thi để chủ động trong dạy và học.

Đa số chọn phương án thi 5 môn

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ GD-ĐT xây dựng theo nguyên tắc: Bộ chỉ đạo chung, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương; UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương. Nội dung thi nằm trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình cấp THPT; tổ chức thi theo môn, trong đó có các môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và các môn lựa chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo 2 phương án thi để lấy ý kiến của các địa phương. Phương án 1 là thi 6 môn (gồm: 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học); phương án 2 là thi 5 môn (3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học, trong đó có môn Lịch sử).

Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 
tại điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, huyện Diên Khánh. 
Ảnh: PHÚC HIẾU
Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, huyện Diên Khánh. Ảnh: PHÚC HIẾU

Qua khảo sát từ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT thống kê, chỉ có 28,8% người lựa chọn phương án 1, còn lại 71,2% người lựa chọn phương án 2. Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, phương án 1 bắt buộc thi môn Lịch sử sẽ giúp học sinh đầu tư hơn cho môn học này, từ đó có thêm sự hiểu biết nhiều về lịch sử Việt Nam. Song việc thi 6 môn sẽ gây nặng nề, áp lực cho học sinh, nhất là những em thiên về các môn khoa học tự nhiên. Đối với phương án 2, việc thi 5 môn sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh, giúp các em dễ định hướng khối thi theo định hướng nghề nghiệp và sở trường, nguyện vọng; đồng thời tạo sự công bằng cho các em thi ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vì có thể chọn 2 môn phù hợp với ban thi của mình để xét tuyển vào các trường đại học.

Tỷ lệ khảo sát của tỉnh cũng tương đương với thống kê chung của Bộ GD-ĐT trong cả nước. Theo đó, có 26,41% chọn phương án 1; 73,59% chọn phương án 2. Ngoài ra, có 4 tỉnh, thành phố đề xuất thêm phương án chỉ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn (gồm cả Ngoại ngữ và Lịch sử).

Cần sớm ban hành phương án tổ chức kỳ thi 

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD-ĐT, để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn sẽ được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Bộ sẽ phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn, trong đó có 3 môn là Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian. Đây cũng là điều mà nhiều học sinh lớp 11 hiện nay lo lắng, còn các nhà trường bối rối trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập để đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi.

Cô Đào Thị Thùy Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) cho biết: “Nhà trường chọn phương án 1 gồm 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Tuy nhiên, môn Lịch sử cần đổi mới phương pháp ra đề thi để giảm áp lực cho học sinh và kích thích học sinh thêm yêu môn học này. Việc xây dựng cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề minh họa cần triển khai sớm để giáo viên và thí sinh có kế hoạch cho việc ôn tập. Câu hỏi trong đề thi cần được kiểm định kỹ, chú trọng đến việc nâng cao phẩm chất và năng lực của học sinh...”.

Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, qua ghi nhận ý kiến từ các trường, sở đề nghị Bộ GD-ĐT cần quy định sớm về số môn thi bắt buộc và tự chọn; ghi cụ thể hơn phần nội dung thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu phần trăm kiến thức ở lớp 10, 11 và 12. Nếu kết quả thi được dùng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì cần tăng cường sự phân hóa về mặt kiến thức phù hợp để có cơ sở lựa chọn học sinh vào đại học, cao đẳng, song cũng phải vừa sức đối với học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng như đề minh họa để các nhà trường, giáo viên chủ động trong công tác dạy học và định hướng cho học sinh ôn tập, chọn ngành, chọn nghề.

H.NGÂN