21:25, 25/09/2023

Cần bổ sung đa vi chất dinh dưỡng 

QUẾ LÂM

Một chỉ tiêu trong hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 là tối thiểu 60% trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, vi chất dinh dưỡng là những dưỡng chất rất thiết yếu đối với sự sống con người, bao gồm các vitamin và khoáng chất, thường được tính bằng đơn vị rất nhỏ là miligam hoặc nhỏ hơn. Tuy chỉ cần một hàm lượng nhỏ mỗi ngày, nhưng nếu thiếu hụt những chất dinh dưỡng vi lượng này, cơ thể sẽ đối mặt với các hậu quả về bệnh lý nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Cụ thể như: Thiếu máu do thiếu sắt, phụ nữ có thai bị thiếu máu sẽ làm bào thai suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ đẻ non, trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh. Trẻ em thiếu máu sẽ kém tập trung, dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Nếu thiếu vitamin A, giác mạc mắt của trẻ không phát triển hoàn thiện, gây nên bệnh khô mắt. Nếu không kịp thời bổ sung đủ nhu cầu vitamin A theo khuyến nghị, trẻ có nguy cơ bị mù, tăng tỷ lệ trẻ thấp còi, nhiễm trùng và tử vong. Nếu thiếu kẽm có thể gây biến chứng suy dinh dưỡng, thấp còi, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục. Thiếu canxi làm trẻ chậm phát triển chiều cao, còi xương và nhanh loãng xương. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây giảm bài tiết men tiêu hóa thức ăn làm cho trẻ ăn không ngon miệng, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu hóa thức ăn, giảm hấp thu dinh dưỡng cho trẻ, gây ra kém hấp thu, trẻ chậm tăng cân, thấp còi, suy nhược.

Cho  trẻ  uống  vitamin  A  tại  một trạm y tế huyện Diên  Khánh
Cho trẻ uống vitamin A tại một trạm y tế ở huyện Diên Khánh. 

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, cơ thể không tự tổng hợp được vi chất dinh dưỡng nên cần phải cung cấp thực phẩm để bổ sung, tăng hấp thu ở trẻ là cần thiết. Tùy theo độ tuổi, trẻ cần có chế độ ăn cân đối, đầy đủ dưỡng chất. Thay đổi cơ cấu bữa ăn hợp lý là giải pháp cơ bản, an toàn và hiệu quả nhất trong giải quyết tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu bổ sung không đúng loại vi chất trẻ đang thiếu thì sẽ không hiệu quả trong cải thiện ăn uống mà có thể bị dư thừa, nếu không thải được ra ngoài mà tích lũy nhiều trong cơ thể có thể gây ngộ độc (như vitamin tan trong chất béo A, D, E, K…).

Thông thường, các trẻ khi được cơ sở y tế khám sẽ được hỏi về chế độ ăn, sự tăng trưởng của trẻ, các thuốc đang dùng, cần làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh hoặc kiểm tra vi chất xem trẻ thiếu chất gì. Sau đó, trẻ sẽ được tư vấn, điều trị dinh dưỡng các loại thuốc phù hợp, hướng dẫn khẩu phần ăn và thực phẩm cần thiết. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) biên soạn đến các cơ sở y tế, qua đó thực hiện tốt công tác tư vấn, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em.

Đối với trẻ em bị tiêu chảy cấp, cần bổ sung kẽm 10mg/ngày trong 14 ngày; đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bổ sung kẽm 20mg/ngày trong 14 ngày. Việc bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp cấp và phụ nữ trong vòng 1 tháng sau sinh cần được thực hiện đúng theo hướng dẫn quốc gia về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ em gái từ 12 đến dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển cần được bổ sung sắt hoặc sắt axit folic; cung cấp miễn phí viên sắt hoặc viên đa vi chất cho phụ nữ từ khi phát hiện mang thai đến 1 tháng sau sinh. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ cung cấp miễn phí sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi được tính theo 6 tháng và 1 năm.

Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể. Để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, mọi người, mọi gia đình cần thực hiện bữa ăn hàng ngày đa dạng, lựa chọn sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng sẵn có tại địa phương, thêm mỡ, dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D; cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng uống một liều vitamin A.

QUẾ LÂM (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)