Nhiều tháng nay, việc cung ứng vắc xin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn. Điều này khiến nhiều trẻ em dưới 1 tuổi ở các địa phương trong tỉnh chưa được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, ảnh hưởng đáng kể đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Vẫn chưa có vắc xin
Từ đầu năm đến nay, các trẻ trong độ tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) trên địa bàn phường Phương Sài (TP. Nha Trang) khi đến Trạm Y tế phường để tiêm đều nhận được thông báo đã hết vắc xin.
Bà Hoàng Ngọc Điệp - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phương Sài cho biết: “Vắc xin 5 trong 1 trạm đã hết từ đầu năm. Thời gian đầu, khi nhận được thông báo hết vắc xin người dân rất phản ứng. Nhân viên y tế trạm chỉ biết giải thích đây là tình trạng chung của cả nước và tư vấn phụ huynh tiếp tục chờ. Tuy nhiên, do thời gian thiếu vắc xin kéo dài, đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, trạm tư vấn phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém song không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. Hiện nay, toàn phường có hơn 100 trẻ trong độ tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1, đến nay có khoảng 70 - 80% trẻ đã được gia đình đưa đi tiêm dịch vụ”.
Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế phường Phương Sài. |
Tình trạng hết vắc xin 5 trong 1 cũng diễn ra 8 tháng nay ở Trạm Y tế xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh). Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Diên Thạnh, toàn xã có khoảng 90 trẻ trong độ tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do trạm hết vắc xin nên trẻ chưa được tiêm. Trạm đã tư vấn gia đình nào có điều kiện nên đưa trẻ đi tiêm dịch vụ, còn lại tiếp tục chờ. Khi có vắc xin, trạm sẽ thông báo và triển khai tiêm ngay cho trẻ.
Không chỉ 2 địa phương nói trên, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, tất cả trạm y tế trong tỉnh đều hết vắc xin 5 trong 1. Theo lãnh đạo các trạm y tế, mỗi mũi tiêm vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 giá dịch vụ dao động từ 700.000 đồng đến gần 1 triệu đồng là chi phí không nhỏ. Ở thành phố hoặc gia đình có điều kiện, việc bỏ ra số tiền trên để tiêm ngừa cho trẻ tương đối dễ dàng, nhưng đối với những trẻ ở vùng nông thôn, vùng núi thì rất khó khăn. Dẫn tới nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm ngừa không đầy đủ hoặc tiêm trễ, khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, như: Bạch hầu, uốn ván, ho gà... do không có kháng thể bảo vệ. “Các cấp, ngành Trung ương nên sớm có giải pháp để có vắc xin 5 trong 1 tiêm chủng cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vừa bảo vệ sức khỏe cho trẻ, vừa giúp địa phương đảm bảo được công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân”, bà Hoàng Ngọc Điệp kiến nghị.
Sẽ phân bổ ngay khi có vắc xin
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nhiều tháng qua, việc cung ứng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn. Điều này khiến nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Theo công văn số 700, ngày 20-4-2023 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc cung ứng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng năm 2023 như sau: Vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1) cung ứng đến tháng 2; vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) cung ứng đến hết tháng 4; các vắc xin BCG, viêm gan B, OPV, sởi, sởi - Rubella và viêm não Nhật Bản B cung ứng đến tháng 7; vắc xin uốn ván và bại liệt (IPV) cung ứng đến hết tháng 12. Theo công văn này, tính đến tháng 2, các cơ sở tiêm chủng công lập trên địa bàn tỉnh đã hết vắc xin 5 trong 1. Qua rà soát, trong 7 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 9.317 trẻ (dưới 1 tuổi) nằm trong độ tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1. Trong đó, có 3.950 trẻ đã được tiêm vắc xin 5 trong 1 (số trẻ được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2.030 trẻ, tiêm dịch vụ 1.920 trẻ); số trẻ cần được tiêm còn lại 5.367 trẻ.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc giải quyết vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Thông báo số 218, ngày 10-6-2023 của Văn phòng Chính phủ, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ do Bộ Y tế tiếp tục cung ứng cho các địa phương. Việc gián đoạn cung ứng vắc xin nói trên tại địa bàn tỉnh cũng là tình hình chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế báo cáo tình hình thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng ở tỉnh Khánh Hòa gửi cho Văn phòng Chương trình tiêm chủng quốc gia. Trung tâm tiếp tục theo dõi và sẽ phân bổ ngay cho các địa phương khi nhận được vắc xin 5 trong 1 và DPT để triển khai tiêm ngay cho trẻ trong thời gian sớm nhất khi vắc xin được cung ứng trở lại.
Theo bác sĩ Toàn, tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vắc xin tiêm chủng mở rộng như hiện nay là bất khả kháng. Trung tâm đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng vẫn duy trì, tích cực tiêm các loại vắc xin đang còn; lập danh sách các trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm để khi có vắc xin sẽ tiến hành tiêm ngay cho trẻ.
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin