Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc đề xuất chỉ tiêu học sinh (HS) theo học chế độ cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng năm 2023. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết:
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa |
- Trong các năm từ 2010 đến 2012, từ 2018 đến 2021, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh không đề nghị cử HS đi học theo chế độ cử tuyển. Vì vậy, trong giai đoạn này, Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị có liên quan, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đào tạo các sinh viên (SV) được cử đi học theo chế độ cử tuyển từ những năm trước. Từ năm 2013 đến 2017, Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh cử 27 HS đi học theo chế độ cử tuyển. Cụ thể, năm 2013 cử 11 em, năm 2014 cử 11 em, năm 2015 cử 1 em, năm 2016 cử 2 em và năm 2017 cử 2 em. Tuy nhiên, có 8 học sinh, SV học lực yếu, không đủ năng lực để tiếp tục đi học, đã được UBND tỉnh cho phép chấm dứt đào tạo theo chế độ cử tuyển. Năm 2022, huyện Khánh Sơn có 1 nhu cầu cử tuyển ngành Giáo dục mầm non trình độ đại học. Tuy nhiên, sau khi ra thông báo, Sở GD-ĐT không nhận được hồ sơ nào để xét duyệt. Hiện nay, các SV học theo chế độ cử tuyển từ năm 2013 đến 2017 đều đã ra trường nên tỉnh không còn SV nào đang học theo chế độ cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng.
- Việc bố trí việc làm đối với HS-SV cử tuyển đã tốt nghiệp thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định, UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm đối với người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hoặc gửi hồ sơ tới các đơn vị, tổ chức khác có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
Từ năm 2010 đến 2018, có 26 SV cử tuyển (được cử đi học từ trước năm 2010) tốt nghiệp và đều được bố trí việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó, năm 2010 có 2 em, năm 2011 có 6 em, năm 2012 có 2 em, năm 2013 có 1 em, năm 2014 có 1 em, năm 2015 có 4 em, năm 2016 có 5 em, năm 2017 có 3 em, năm 2018 có 2 em. Từ năm 2019 đến 2022, có 17 SV cử tuyển tốt nghiệp, trong đó có 13 SV chưa bố trí được việc làm.
- Có thể thấy, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, nhu cầu tuyển sinh cử tuyển của tỉnh những năm qua đã thu hẹp dần. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Chính sách cử tuyển nhằm tạo điều kiện cho các HS vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số có cơ hội được học tập, tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật; được tiếp nhận, giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường; đưa kiến thức khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong cộng đồng sinh sống. Tuy nhiên, do vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn nên yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào của HS cử tuyển thấp (lực học trung bình, đạo đức khá tốt), khả năng theo học chương trình đào tạo đại học của nhiều HS cử tuyển còn hạn chế, nhất là đối với ngành y đa khoa. Đa số HS diện cử tuyển đều có kết quả học tập, rèn luyện ở mức trung bình, không có SV lực học giỏi, số SV có kết quả học tập khá chiếm tỷ lệ thấp. Một số SV cử tuyển sau tốt nghiệp, năng lực làm việc hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo thực thi nhiệm vụ theo quy định. Mặt khác, do hoàn cảnh gia đình, thói quen, tập quán sinh hoạt nên việc hòa nhập của SV cử tuyển trong cộng đồng SV bị hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận SV chưa cố gắng trong học tập, rèn luyện, kết quả học tập xếp loại yếu, kém, phải ngừng học, thôi học.
Mới đây, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các địa phương về việc gửi đề nghị phê duyệt chỉ tiêu cử tuyển cho năm 2023. Tuy nhiên, do các huyện, thị xã, thành phố đã đảm bảo bố trí đủ vị trí việc làm nên tỉnh không có nhu cầu đăng ký chỉ tiêu cử tuyển.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin