22:40, 17/07/2023

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

H. NGÂN

Trong 2 năm qua, việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường.

Tạo môi trường gần gũi, thân thiện

Trường Mầm non Hương Sen (TP. Nha Trang) - trường chuẩn quốc gia mức độ 2, được coi là ngôi trường mầm non đẹp và khang trang bậc nhất của tỉnh. Tại đây, môi trường bên trong và ngoài lớp học được thiết kế, bố trí hài hòa các góc chơi, phòng thể chất, khu trải nghiệm, thư viện, hệ thống cây xanh... Cô Nguyễn Thị Hồng My - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 2 năm qua, nhà trường tổ chức hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo và có 108 bộ đồ dùng đạt giải, áp dụng hiệu quả vào quá trình học và chơi của trẻ. Giáo viên cũng ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo trong dạy học; phụ huynh học sinh đồng thuận và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong các hoạt động, tổ chức các hội thi, lễ hội để trẻ trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống...

Tại Trường Mầm non thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh), nhà trường đã xây dựng các mô hình môi trường trải nghiệm bên ngoài gắn với giáo dục thực tiễn địa phương, như: Khu chợ quê, các loài cây, rau, con vật gần gũi với nơi trẻ sinh sống, đồng thời khai thác các sản phẩm quen thuộc sẵn có từ tranh, tre, gỗ, lá, cát... để ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới vào lớp học, cho trẻ trải nghiệm và phát triển các kỹ năng sáng tạo. Còn tại Trường Mầm non Vành Khuyên (huyện Khánh Sơn), nhà trường đã khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để xây dựng các mô hình nhà sàn, các công cụ làm rẫy, làm nông, nghề nghiệp của đồng bào, các loại lương thực, cây ăn quả vùng cao cho trẻ trải nghiệm, khám phá; khai thác nguồn thực phẩm tại địa phương để đưa vào thực đơn bán trú hàng ngày cho trẻ...

Giáo viên thực hành phương pháp giáo dục Montessori tại chương trình do Sở GD-ĐT và Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang phối hợp tổ chức.
Giáo viên thực hành phương pháp giáo dục Montessori tại chương trình do Sở GD-ĐT và Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang phối hợp tổ chức.

Đây là 3 trường được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chọn làm mô hình điểm cấp tỉnh trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đại diện cho vùng thuận lợi, vùng trung du có mức sống trung bình và vùng có điều kiện khó khăn. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 21 trường thực hiện mô hình điểm cấp huyện tại 8 huyện, thị xã, thành phố.

Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, nhiều trường đã có những thay đổi rõ rệt từ môi trường trong và ngoài lớp học, giúp cho giáo viên linh hoạt, sáng tạo hơn trong việc lập kế hoạch giáo dục, lựa chọn hình thức, phương pháp tổ chức dạy học phù hợp. Các trường còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, phối hợp tốt với gia đình trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ... 2 năm qua, sở đã tổ chức 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chuyên đề cho 852 lượt cán bộ quản lý và 228 giáo viên mầm non cốt cán; phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hành các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Cần tiếp tục quan tâm

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, vẫn còn những khó khăn như: Nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non hiện nay còn hạn chế; nhiều trường có diện tích đất chật hẹp, thiếu không gian để bố trí, xây dựng môi trường hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; định biên giáo viên/lớp còn thấp so với quy định... đã ảnh hưởng phần nào đến quá trình thực hiện chuyên đề. Mặt khác, vẫn còn một số giáo viên lúng túng trong xây dựng kế hoạch giáo dục và lựa chọn nội dung tổ chức hoạt động học tập, vui chơi cho trẻ…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” trong thời gian tới, theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, tỉnh cần tiếp tục tăng cường đầu tư, xây dựng phòng học, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài lớp học cho các trường. Đồng thời, tăng cường công tác tuyển dụng, bố trí đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non theo Luật Giáo dục năm 2019; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục... Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, chương trình tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại các đơn vị điểm cấp toàn quốc để các trường giao lưu, học hỏi.

 

Toàn tỉnh hiện có 205 trường mầm non. Trong đó, 100% trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành và tổ chức cho trẻ học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường đạt 97,57%. Hàng năm, chất lượng giáo dục ở 5 lĩnh vực phát triển cho trẻ (thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mĩ) đạt từ 87 đến 92% đối với độ tuổi nhà trẻ, từ 90 đến 97% đối với nhóm 3-4 tuổi; thực hiện đánh giá trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo bộ chuẩn phát triển (4 lĩnh vực, 28 chuẩn, 120 chỉ số) đạt 100%.

H. NGÂN