Nhờ triển khai lan tỏa, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang đã xây dựng đơn vị thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, chất lượng.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Trong quá trình hoạt động, nhà trường luôn gắn phong trào thi đua với nâng cao chất lượng đào tạo. Chương trình, giáo trình giảng dạy thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh; đổi mới phương pháp và mô hình đào tạo, gắn với yêu cầu phát triển của xã hội. Trung bình mỗi năm học, nhà trường tuyển sinh đào tạo hơn 1.600 học sinh, sinh viên. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo của trường được tinh giảm gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được đầu tư, nâng cấp khang trang, hiện đại, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất, dịch vụ. Hiện nay, trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cấp chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp độ 3 - cấp độ kiểm định cao nhất. Từ đó, công tác đào tạo luôn được tuân thủ theo các quy định kiểm định nên chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao.
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang học thực hành trên các thiết bị. |
Ông Nguyễn Văn Lực - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết, trường luôn chủ động xây dựng và ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập; doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy, mỗi năm, trường có hơn 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định. Nhà trường còn chủ động liên kết đào tạo liên thông đại học với các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trường còn mở rộng hợp tác với các trường đào tạo ở các nước như: Anh, Đức, Australia, Malaysia...
Để đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nhà trường đã lồng ghép với các cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không theo nhu cầu xã hội”. Hàng năm, trường đều tổ chức kỳ thi giáo viên dạy giỏi và thiết bị tự làm cấp trường để lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên tham gia kỳ thi cấp tỉnh, Trung ương, qua đó đạt nhiều giải cao. Phong trào nghiên cứu khoa học được nhà trường triển khai đồng bộ, nhờ đó đã tiếp nhận, áp dụng vào thực tế nhiều đề tài đem lại kết quả cao. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, trường đã có 64 sáng kiến được công nhận.
Tích cực chuyển đổi số
Để xây dựng đơn vị trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông minh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, như: Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ điều hành chuyển đổi số; cử 30 lượt cán bộ, nhà giáo tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, đào tạo về sư phạm số, kỹ năng số, học liệu số… Bên cạnh đó, trường ứng dụng công nghệ thông tin vào các nghiệp vụ, công tác đào tạo và quản lý. Trong đó, trường đã sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến và các nền tảng họp trực tuyến miễn phí để phục vụ công tác; áp dụng chữ ký điện tử trên một số văn bản, qua đó rút ngắn thời gian xử lý công việc, tạo thuận lợi và giảm rất nhiều văn bản giấy.
Trong công tác đào tạo, cán bộ, giảng viên và giáo viên đã tích cực xây dựng và sử dụng gần 2.000 bài giảng điện tử phục vụ giảng dạy. Đa số các thiết bị đào tạo đều được nhà trường sử dụng mã QR để quản lý. Mỗi mã QR lưu trữ những thông tin cơ bản về thiết bị, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin, quản lý, kiểm đếm, đối chiếu và theo dõi quá trình sử dụng. Đặc biệt, trường đang từng bước tạo lập hồ sơ năng lực số ePortfolio của học sinh, sinh viên. Sau khi tạo lập, toàn bộ sản phẩm, kết quả học tập, thực hành, bài đánh giá từng môn học của học sinh, sinh viên đều được lưu trữ dưới dạng file dữ liệu, ảnh, video, giúp các nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ về quá trình, tay nghề và những kiến thức mà học sinh, sinh viên được đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Lực cho biết, hiện nay, trường đã xây dựng Đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với quyết tâm đưa trường trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, thông minh. Do vậy, thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai các hoạt động quản lý, đào tạo trên môi trường số, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, tạo đột phá về chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu về nguồn lao động của nền kinh tế số, xã hội số; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào tất cả hoạt động của trường; kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị, xây dựng xưởng thực hành ảo…
Từ một cơ sở đào tạo 6 nghề, đến nay, nhà trường đã mở rộng với 19 nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 20 nghề trình độ trung cấp và 37 nghề trình độ sơ cấp. Trong đó, 4 nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, 2 nghề theo tiêu chuẩn ASEAN và 1 nghề theo tiêu chuẩn quốc gia
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin