21:46, 15/06/2023

Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Chủ động, thận trọng về mọi mặt

H.NGÂN

Sáng 15-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.  

Chuẩn bị về mọi mặt

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, thời gian qua, bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức kỳ thi; phân công nhiệm vụ và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia; triển khai công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi. Trong đó, bộ đã xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (công bố ngày 1-3); hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Hội đồng ra đề thi bắt đầu làm việc trong khu vực cách ly từ ngày 2-6. Bộ cũng đã chuẩn bị các phần mềm phục vụ kỳ thi, tập huấn và tổ chức đăng ký dự thi, chuẩn bị công tác thanh tra, kiểm tra tại 63 tỉnh, thành trên cả nước…

Quang cảnh tại điểm cầu Khánh Hòa.
Quang cảnh tại điểm cầu Khánh Hòa.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tại Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh đã họp quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ đến các thành viên và các sở, ban, ngành liên quan. Sở GD-ĐT cũng đã triển khai các văn bản của bộ và tỉnh về kỳ thi, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất. Trong đó, phối hợp với Công an tỉnh triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự ở tất cả các khâu của kỳ thi như: Khảo sát và thống nhất địa điểm đặt khu vực in sao cho kỳ thi đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cách ly và tính bảo mật; tổ chức ban in sao đề thi với 17 nhân sự trực tiếp in sao. Nhân sự được điều động từ lãnh đạo, chuyên viên Sở GD-ĐT và cán bộ, giáo viên một số đơn vị trực thuộc sở. Bộ phận trực tiếp in sao đề thi bắt đầu cách ly từ 8 giờ ngày 16-6 đến 15 giờ 30 ngày 29-6. Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án vận chuyển, bàn giao đề thi; thành lập ban coi thi theo thành phần và số lượng quy định của Bộ GD-ĐT. Dự kiến, sở điều động ban coi thi gồm 2.141 cán bộ, giáo viên, nhân viên, lực lượng an ninh tham gia làm nhiệm vụ tại các điểm thi, trong đó có 1.563 cán bộ coi thi và cán bộ giám sát. Công tác vận chuyển bài thi từ các điểm thi đến địa điểm làm phách, chấm thi, phúc khảo cũng đã được lên kế hoạch. Sắp tới, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh sẽ đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi ở một số điểm thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức từ ngày 27 đến 30-6. Tính đến ngày 15-6, cả nước có tổng cộng 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa có 14.482 thí sinh (12.185 thí sinh THPT và 2.297 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên).

Cẩn trọng ở tất cả các khâu

Tại hội nghị, đại diện Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương phải bố trí khu vực in sao đề thi 3 vòng độc lập, đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy chế thi; đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt; khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác in sao đề thi như: Các máy móc thiết bị tuyệt đối không có chức năng thu phát và không nối mạng Internet, được công an kiểm tra niêm phong các cổng kết nối. Mọi phương tiện, vật tư, thiết bị trong khu vực in sao đề thi dù hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực này khi thi xong bài thi, môn thi cuối cùng. Quá trình in sao cần theo đúng số lượng được giao; lưu ý in sao đề thi các bài thi, môn thi ngoại ngữ cho các phòng thi ghép; in sao từng mã đề thi cho mỗi đề thi của mỗi bài thi, môn thi trắc nghiệm; có biện pháp cụ thể để phân biệt bì hoặc túi đề thi của các bài thi, môn thi khác nhau…

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cấp quốc gia Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đây là kỳ thi quan trọng, diễn ra với quy mô lớn, số lượng người tham gia đông. Do đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, đúng quy chế trong tất cả các khâu; quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền, thống nhất, thông suốt trong chỉ đạo, điều hành; tổ chức tốt công tác tập huấn cho từng đối tượng tham gia công tác thi. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện phục vụ kỳ thi; thực hiện tốt, kịp thời công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc; chú trọng khâu kiểm tra, giám sát. Các địa phương cũng cần quan tâm đến công tác truyền thông về kỳ thi; hỗ trợ thí sinh để không có em nào phải bỏ thi vì khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN: Các địa phương cần có sự ưu tiên cho công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị, đồng thời chú trọng đến yếu tố con người trong thực hiện các nhiệm vụ. Mặt khác, cần có phương án dự phòng để kịp thời xử lý các trường hợp bất thường về thiên tai, dịch bệnh…

H.NGÂN