Thiết kế đồ dùng, đồ chơi cho trẻ là hoạt động sư phạm thường xuyên ở các trường mầm non. Bằng sự sáng tạo, khéo léo, các giáo viên đã tích cực thiết kế nhiều đồ dùng, đồ chơi đa dạng, đẹp mắt, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động cho trẻ.
Thiết kế đồ dùng, đồ chơi cho trẻ là hoạt động sư phạm thường xuyên ở các trường mầm non. Bằng sự sáng tạo, khéo léo, các giáo viên đã tích cực thiết kế nhiều đồ dùng, đồ chơi đa dạng, đẹp mắt, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động cho trẻ.
Trường Mầm non Thực Hành (TP. Nha Trang) vừa tổ chức hội thi “Thiết kế đồ dùng dạy học” năm học 2022-2023. Tại đây, 21 giáo viên đã giới thiệu 21 bộ đồ dùng, đồ chơi do các cô lên ý tưởng, thiết kế và thực hiện. Các sản phẩm được làm từ những nguyên liệu phổ biến, dễ tìm, sẵn có của địa phương, hoặc tận dụng các vật dụng bỏ đi, như: Chai nhựa, nắp hũ, que kem, vải… Mỗi bộ sản phẩm có nét sáng tạo riêng, phục vụ thiết thực cho hoạt động vui chơi, học tập của trẻ. Cô Phí Thị The - giáo viên lớp 25-36 tháng B chia sẻ, để thay đổi hình thức kể chuyện các tác phẩm văn học cho trẻ, cô đã thiết kế bộ rối tay móc bằng len. Bộ rối gồm những chiếc bao tay hình các con vật xinh xắn, ngộ nghĩnh do cô sáng tạo, có thể mô phỏng các hành động và minh họa cho câu chuyện kể thông qua cử động bàn tay, ngón tay nên trẻ rất thích thú. Trẻ cũng có thể sử dụng bộ rối để chơi và kể chuyện. Sản phẩm được đánh giá cao ở tính sáng tạo, thẩm mỹ, độ bền và đã được nhà trường trao giải nhất.
Tại hội thi “Đồ dùng, đồ chơi tự tạo” năm học 2022-2023, Trường Mầm non Hồng Bàng (Nha Trang) đã trưng bày 34 bộ đồ dùng, đồ chơi của 17 giáo viên. Trong đó, giáo viên khối nhà trẻ và mẫu giáo 3-4 tuổi thi thiết kế đồ dùng dạy học với nội dung phục vụ hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học; khối mẫu giáo 4-5 tuổi và 5-6 tuổi thi đồ dùng dạy học với nội dung phục vụ hoạt động cho trẻ làm quen với Toán và chữ cái. Từ những vật liệu khác nhau, các cô giáo không chỉ làm nên sản phẩm đảm bảo bền chắc, an toàn, mà còn có tính thẩm mỹ cao và được sử dụng hiệu quả trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Tham gia Triển lãm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo cấp học mầm non năm học 2022-2023 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh tổ chức, các trường đã lựa chọn nguyên vật liệu sẵn có từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tiết kiệm về kinh phí, như: Đá, bông gòn, rễ tre, gỗ và các vật liệu, phế liệu vỏ chai nhựa, hộp sữa, vải vụn, xốp… để cải tiến thành những đồ dùng, đồ chơi hữu ích, đẹp mắt. Tiêu biểu như: Bộ đồ chơi các phương tiện giao thông; bộ đồ chơi ăn uống; bộ học đếm; bộ thư viện xanh; bộ đồ chơi âm nhạc; bộ phát triển thể chất… Ông Lê Minh Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, triển lãm có sự tham gia của 88 bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo của 16 trường mầm non trên địa bàn huyện. Các sản phẩm cho thấy tiềm năng sáng tạo của giáo viên trong việc tìm tòi, tự tạo đồ dùng dạy học, đồ chơi phục vụ thiết thực cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, đáp ứng chương trình giáo dục mầm non. Đây cũng là dịp để giáo viên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác làm đồ dùng, đồ chơi dạy học. Đồng thời, chất lượng đồ dùng, đồ chơi tại triển lãm là một trong những yếu tố để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường mầm non, tiêu chí thi đua của cấp học, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hàng năm, các phòng giáo dục và đào tạo đều chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non duy trì và phát triển phong trào làm đồ dùng dạy học, đồ chơi với nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Một số đơn vị đã tổ chức hội thi cấp trường, cấp huyện với sự đầu tư, chăm chút cho từng sản phẩm và được đưa vào sử dụng tại các nhóm, lớp. Đồng thời, nhân rộng cách làm các đồ dùng, đồ chơi đạt giải, sử dụng hiệu quả cao tại các trường.
H.NGÂN